tam quy y

Phật Quang Đại Từ Điển

(三歸依) Phạm: Tri-zaraịa-gamana. Pàli: Tì-saraịa-gamana. Cũng gọi Tam qui, Tam tự qui, Tam qui giới, Thú tam qui y. Qui y Tam bảo, nghĩa là quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng và xin được cứu giúp, che chở để mãi mãi thoát khỏi tất cả khổ não của thân tâm. Tam qui y được chia làm 2 thứ: 1. Phiên tà tam qui: Tam qui được lãnh nhận khi bỏ tà đạo, trở về chính đạo. 2. Thụ giới tam qui: Có 4 loại là Ngũ giới tam qui(tín đồ tại gia khi thụ Ngũ giới thì phải thụ Tam qui trước), Bát giới tam qui(khi thụ 8 giới trai thì phải thụ Tam qui trước), Thập giới tam qui(khi thụ 10 giới Sa di, Sa di ni thì phải thụ Tam qui trước) và Cụ túc giới tam qui(khi thụ giới Cụ túc của tỉ khưu, tỉ khưu ni thì phải thụ Tam qui trước). Nếu thêm Phiên tà tam qui nữa thì thành5 loại, gọi chung là Ngũ chủng Tam qui.Về chỉ thú của sự qui y Tam bảo, luận Câu xá quyển 14 cho rằng qui y Tam bảo mãi mãi xa lìa được tất cả khổ não. Đại thừa nghĩa chương quyển 10 thì nêu ra 3 nghĩa: Vì xa lìa khổ sinh tử, vì cầu Niết bàn xuất thế và vì lợi ích chúng sinh. Pháp giới thứ đệ sơ môn quyển thượng, phần cuối, cho rằng công dụng của Tam qui chính là phá Tam tà, cứu Tam đồ, nối tiếp Tam thừa, ra khỏi Tam hữu, Phật pháp lấy Tam qui này làm gốc, chung cho tất cả giới phẩm và các pháp lành xuất thế.Trong các luận Đại trí độ quyển 1, Cứu cánh nhất thừa bảo tính quyển 1, Đại thừa khởi tín, Phật địa kinh luận quyển 1, A tì đàm tâm… ngay ở trang đầu đều có nêu văn Qui kính Tam bảo, bày tỏ sự cúi đầu kính lễ Tam bảo. Ngoài ra, lúc thụ Tam qui, người thụ phải theo lời dạy của Giới sư, xướng văn Tam qui tam cánh. Tì ni thảo yếu quyển 5 ghi văn Tam qui tam cánh như sau (Vạn tục 70, 176 hạ): Con tên là… xin trọn đời qui y Phật, qui y pháp, qui y tăng(nói 3 lần); Con tên là… trọn đời qui y Phật rồi, qui y pháp rồi, qui y tăng rồi(nói 3 lần). Thụ Bồ tát giới nghi của ngài Trạm nhiên thì ghi (Vạn tục 105, 5 hạ): Đệ tử tên là… nguyện từ đời này đến hết kiếp vị lai qui y Phật lưỡng túc tôn, qui y pháp li dục tôn, qui y tăng chúng trung tôn (nói 3 lần). Đệ tử tên là… nguyện từ đời này đến hết kiếp vị lai qui y Phật rồi, qui y pháp rồi, qui y tăng rồi(nói 3 lần). Trong Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập, ngài Nguyên tín của Nhật bản cho rằng Tam qui y được chia làm Tiểu thừa và Đại thừa khác nhau, trọn đời là Tam qui của Tiểu thừa, còn hết kiếp vị lai là Tam qui của Đại thừa. Lại theo Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 4, phần đầu, Qui y và Kính lễ có 7 nghĩa khác nhau: 1. Qui y chỉ hạn cuộc ở nghiệp thân và nghiệp khẩu, kính lễ thì chung cho cả 3 nghiệp thân, khẩu, ý. 2. Qui y là qui y cả Tam bảo, phạm vi rộng hơn; còn kính lễ thì chỉ kính 1 vị tôn, phạm vi không rộng. 3. Qui y có giới hạn, cho nên phải nói hết kiếp vị lai; còn kính lễ chỉ cần nói lên lòng kính ngưỡng là được, cho nên hoặc lâu hoặc mau, không bị hạn định. 4. Qui y vì thành khẩn, thiết tha, nên phải có biểu nghiệp và vô biểu nghiệp; còn kính lễ thì chỉ cần thiện biểu nghiệp là thành. 5. Qui y phải hợp cả thân nghiệp và khẩu nghiệp, ý nghĩa quan trọng hơn; còn kính lễ thì chỉ cần 1 nghiệp là thành. 6. Qui y thuộc về hình tướng nên chỉ có ở cõi Dục và cõi Sắc; còn kính lễ thì thông cả ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc. 7. Qui y do quán chân lí mà thành, ý nghĩa thù thắng hơn; còn kính lễ thì trọng hiền thiện là thành, ý nghĩa kém hơn. [X. kinh Trường a hàm Q.11; kinh Đại bát niết bàn Q.5 (bản Bắc); kinh Thắng man; kinh Đại phương đẳng đại tập Q.32; luật Thập tụng Q.56;Hữu bộ tì nại da Q.44; luận Đại trí độ Q.13; luận Đại tì bà sa Q.34, 124; luận Thập trụ tì bà sa Q.7]. (xt. Tam Bảo).