TAM QUI
NGŨ GIỚI
BÁT QUAN TRAI GIỚI

Nguyên Hiền (đời nhà Minh)
Thích Thiện Phước dịch

 

TAM QUI Y

Qui y nghĩa là quay trở về, do vì xưa kia theo con đường tà vạy trái với chánh pháp, trôi dạt trong sáu nẻo, nay biết đó là điều quấy, liền xoay tà tâm kia trở về chánh đạo, do đó mới lập ra pháp tam qui. Nhất định cần phải dốc lòng quay về nương tựa, không nên lơ là.

Qui y Phật rồi thà bỏ thân mạng, trọn đời không qui y Tự Tại Thiên.

Qui y Pháp rồi thà bỏ thân mạng, trọn đời không qui y với điển tịch ngoại đạo.

Qui y Tăng rồi thà bỏ thân mạng, trọn đời không qui y với chúng tà ma ngoại đạo.

Nếu không biết như thế thì không gọi là qui y. Pháp tam qui này có năm cấp bậc không đồng nhau:

1.  Phiên tà tam qui: Chính là người ở thế tục mới biết qui hướng.

2.  Ngũ giới tam qui: Chính là người ở thế tục thọ trì năm giới cấm.

3.  Bát giới tam qui: Chính là người ở thế tục thọ trì tám giới cấm.

4.  Thập giới tam qui: Chính là người mới xuất gia làm Sa Di.

5.  Bồ Tát tam qui: Chính là người phát tâm thọ giới Bồ Tát.

Lúc ban đầu tự mình bỏ trần tục, dốc lòng theo đạo, điều chính yếu là phải nương tựa tam bảo.

Tam Bảo cũng có nhiều bậc:

1.  Hóa tướng tam bảo: Thân vàng của Như lai một trượng sáu là Phật bảo; Bốn đế, mười hai nhơn duyên là pháp bảo; Thanh Văn, Duyên Giác và các Thánh Hiền là Tăng bảo. Đây chính là nơi nương tựa của hàng nhị thừa.

2.  Biệt tướng tam bảo: Là ba thân pháp, báo, hóa là Phật bảo; mười hai bộ kinh là Pháp bảo; Thánh hiền ba thừa là Tăng bảo. Đây là chỗ nương tựa của hàng đại thừa.

3.  Nhất thể tam bảo: Rõ biết chơn như là Phật bảo; thể hiện được tất cả những khuôn phép hộ trì là Pháp bảo; sự lý hòa hợp là Tăng bảo. Đây chính là thật thể tam bảo của hai bậc tam bảo trước.

4.  Trụ trì Tam bảo: Tạc tượng, vẽ hình là Phật bảo; tất cả kinh điển là Pháp bảo; cạo tóc mặc y là Tăng bảo. Đây chính là nơi gởi gắm của ba bậc trước, để lưu thông mãi mãi đến sau này vậy. Tuy có sự bất đồng về đại thừa, tiểu thừa, quyền thật, nhưng hễ qui y rồi thì đều là cửa ngõ chơn chánh để vào đạo, là nhơn duyên của sự giác ngộ, công đức thù thắng không thể nghĩ bàn.

Kinh Thiện Sanh chép: “Nếu người nào thọ trì ba pháp qui y sẽ được quả báo không thể cùng tận, như bốn kho báu lớn, nhơn dân cả nước vận chuyển ra suốt bảy năm cũng không hết. Người thọ tam qui phước đức lại hơn thế, không thể tính kể”.

Kinh So Sánh Công Đức chép: “Có người suốt đời cúng dường hàng nhị thừa khắp trong bốn châu thiên hạ, cho đến xây tháp, vẫn không bằng người nam người nữ nói như thế này: “Con… qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng…” được công đức không thể nghĩ bàn, do vì trong các loại phước điền, tam bảo là phước điền tối thắng”.

Lại chép: “Nếu có các đức Như Lai khắp trong tam thiên đại thiên thế giới, nhiều như lúa mè, tre lau. Người nào cúng dường tứ sự suốt trong hai vạn năm. Sau khi chư Phật diệt độ, xây dựng các tháp báu, lại dùng hương hoa cúng dường, phước ấy tuy nhiều, nhưng không bằng công đức người đem lòng thanh tịnh qui y Phật, Pháp, Tăng tam bảo”.

Kinh Mộc Hoạn Tử chép: “Vua Ba Lưu Ly bạch Phật: Trong nước con thường xảy ra hỏa hoạn khiến con rất lo nhọc, cúi xin Thế Tôn ban cho con pháp cốt yếu dễ tu hành. Phật bảo vua rằng: Nếu muốn diệt trừ được phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng thì nên xâu 108 hạt của trái cây mộc hoạn tử thường đem theo bên mình, trong lúc đi đứng nằm ngồi, luôn luôn nhất tâm không tán loạn, xưng niệm Phật, Pháp, Tăng rồi thì lần qua một hạt, như thế lần lượt đến số hoặc 10, 20, 100, 1000, cho đến 100 ngàn vạn ức. Nếu niệm đủ 20 vạn biến, thì thân tâm không tán loạn, không có các siểm khúc… khi bỏ thân mạng được sanh lên cõi trời Diệm Ma thứ ba. Nếu niệm đủ 100 vạn biến sẽ được đoạn trừ 108 nghiệp kết sử phiền não, thế mới gọi là lội ngược dòng sanh tử, đạt thẳng đến bến Niết Bàn, dứt trừ gốc rễ phiền não, chứng được quả mầu vô thượng.

Phật lại bảo vua: Tỳ kheo Sa Đấu, do xưng tụng hồng danh tam bảo, trải qua 10 năm bèn chứng được quả Tư Đà Hàm, rồi theo thứ lớp tu tập đạo hạnh, nay đang làm vị Bích Chi Phật ở thế giới Phổ Hương”.

Kinh Chiết Phục La Hán chép: “Xưa kia có vị trời Đao Lợi biết thọ mạng sắp hết, năm tướng suy hiện, ông quán xét sau khi mạng chung sẽ đọa vào thai heo, rồi buồn bã không vui. Có vị trời mách: Bây giờ thì chỉ có Phật mới có thể cứu thoát tội báo của ông thôi! Do đó, ông liền đến chỗ Phật, làm lễ bạch Phật. Phật bảo: Muốn thoát khỏi thai heo phải nên tụng pháp tam qui. Ông liền vâng theo lời Phật dạy, sớm tối tự qui y, bảy ngày sau bèn thọ chung, sanh làm con của ông trưởng giả nước Duy Da Ly, gặp Xá Lợi Phất, thỉnh Phật thuyết pháp liền đắc A Duy Việt trí”.

Kinh Đại Phương Tiện chép: “Lấy tam bảo làm chỗ qui hướng tức là lấy sự cứu hộ làm nghĩa. Ví như người mắc tội với vua, trốn đến nước khác để cầu sự giúp đỡ. Vua khác bảo rằng: Ngươi đã đến đây thì đừng sợ hãi, nhưng không được ra khỏi nước ta, chẳng nên trái lời ta dạy nhất định sẽ được cứu hộ. Chúng sanh cũng vậy, hệ thuộc nơi ma, có tội sanh tử nên qui hướng tam bảo để được cứu hộ. Nếu thành tâm qui y, lại không theo nẻo khác, chẳng trái lời Phật dạy thì những ma vương tà ác kia chẳng làm gì được”.

Người thọ tam qui cũng gọi là Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Thượng phẩm qui y là tâm khế họp ở một thể tánh, tam bảo và các giới tự nhiên đầy đủ; trung phẩm qui y là phải như tỳ kheo Sa Đấu, trì tụng hồng danh tam bảo, hoặc một danh hiệu Phật, lâu ngày không thoái chuyển thì được thành thánh quả; hạ phẩm qui y là còn ăn ngũ tịnh nhục, không làm bạn với những kẻ tà ác như: Buôn thịt, bán rượu, ngục tốt, kỹ nữ… chẳng nên quan hệ qua lại. Vào sáu ngày trai, ba tháng trai, cũng phải đình chỉ việc uống rượu, ăn thịt, ăn ngũ tân. Hành trì như thế, thì ở hội ban đầu của Phật Di Lặc liền được giải thoát.

Ngũ tịnh nhục là:

1. Không vì mình giết.

2. Không thấy giết.

3. Không nghe giết.

4. Vật tự chết.

5. Chim thú ăn còn thừa.

Ba tháng trai là tháng giêng, tháng năm và tháng chín. Chính là những tháng mà Tỳ Sa Môn Thiên Vương chấn giữ Nam Thiệm Bộ Châu này.

Sáu ngày trai là mồng tám, hai mươi ba, sứ giả của thiên vương đi tuần tra nhơn gian; mười bốn, hai mươi chín là thái tử của thiên vương tuần tra nhơn gian; rằm, ba mươi là thiên vương đích thân đi tuần tra nhơn gian.

NGŨ GIỚI

Ngũ giới là:

1. Không sát sanh.

2. Không trộm cắp.

3. Không tà dâm.

4. Không nói dối.

5. Không uống rượu.

Bốn giới trước, pháp ở thế gian và pháp của chuyển luân thánh vương cũng đều không chấp nhận, chỉ một giới sau là riêng Phật ngăn cấm. Vì rượu làm loạn tâm, tăng trưởng sự buông lung, bốn giới trước cũng do đó mà tan vỡ, cho nên Phật mới riêng ngăn cấm vậy. Giới này tướng tuy dón gọn, nhưng có phạm vi rất sâu rộng, nếu có ai nương theo thọ trì thì công đức khó lường. Người giữ gìn thượng phẩm thì được thánh đạo, giữ gìn trung phẩm thì được thiên đạo, giữ gìn hạ phẩm thì được nhơn đạo.

Lại nữa, năm giới tuy hạn cuộc cho người tại gia nhưng thông suốt đến người xuất gia, vì giới này là nền tảng của giới sa di và tỳ kheo, cũng là gốc rễ của giới Bồ tát. Nếu có ai tinh tấn thọ trì, suy rộng ra thì không việc gì không nhiếp phục, không cảnh giới nào không đạt đến. Do đó, người lãnh thọ chẳng nên xem thường.

Nếu người thọ trì ba pháp qui y rồi, thọ một giới gọi là được một phần Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di; thọ hai giới gọi là được ít phần; thọ ba, bốn giới gọi là được nhiều phần; thọ năm giới thì gọi là được trọn phần.

Lại tùy theo ý của mình cảm thọ sự an lạc, đều được phước báu thù thắng, trọn thành Phật quả, nếu ai không thọ trì qui giới thì sẽ đọa lạc trong ba đường, dứt tuyệt nẻo nhơn thiên.

Kinh Ngũ Giới Oai Nghi chép: “Phật sắp Niết Bàn, liền bảo bốn đại Thanh Văn và sáu Ứng Chơn (A La Hán) rằng: Sau khi ta diệt độ, hai chúng tại gia tùy theo mình có khả năng nhiều ít mà thọ trì những giới trên, hoặc tạo những đồ dùng trong sinh hoạt như: Phòng xá, giường nệm, y phục, đồ ăn uống, tất cả đều hợp với lẽ đạo, cúng dường bốn phương Tăng và các hiền thánh, các ông phải nên nhận thỉnh, nếu không nhận thì mắc tội. Do đây mà xem xét, các bậc hiền thánh không cách xa, có cảm thì tất nhiên ứng hiện”.

Kinh Di Lặc vấn chép: “Năm giới gọi là năm đại thí, nghĩa là nhiếp thủ vô lượng chúng sanh, thành tựu sự an lạc cho vô lượng chúng sanh để tăng trưởng các món công đức”.

Người thọ trì năm giới có thể được thọ trong vòng năm ngày, mười ngày, một năm, hai năm, tùy ý thọ thời gian bao nhiêu cũng được! Sau khi thọ năm giới, nếu không có khả năng giữ gìn trọn vẹn thì có thể được trả lại bất kỳ giới nào. Chỉ cần đến trước bổn sư, hoặc trước tỳ kheo thanh tịnh nói rằng: “Con tên là… từ nay không thọ trì giới…”. Nói như vậy ba lần, gọi là trả lại giới pháp.

Người muốn thọ năm giới, trước hết cần phải không ăn thịt. Ở trong các kinh, Phật nói vô lượng nhơn duyên, quở trách và cấm ngăn việc ăn thịt. Bởi vì ăn thịt chúng sanh làm tổn thương đến lòng từ bi, liền bị ma quân thu nhiếp, huống chi ăn từng thân phần của loài vật, chẳng phải là điều loài vật mong muốn, do vậy mà trở thành nghiệp trộm, cũng thành nợ nần, theo lý nhất định phải đền trả, đó là nhân súc sanh vậy

Phàm người thọ tam qui ngũ giới, cần phải phát nguyện, như trong luật chỉ dạy, bạch rằng: “Nguyện đem công đức qui giới này, không đọa vào ác thú, tám nạn biên địa, công đức trì ngũ giới này nhiếp thủ tất cả những nghiệp của chúng sanh. Có bao nhiêu công đức đều hồi hướng cho tất cả, khiến được thành đạo vô thượng chánh chơn. Cũng khiến cho tương lai được ở trong ba hội của Phật Di Lặc, thoát khỏi sanh lão bệnh tử”.

Nếu như chỉ phát nguyện hồi hướng về Tây Phương cũng được.

Kinh Ưu Bà Tắc giới chép: “Nếu có ai sau khi thọ qui giới, vì để giữ gìn nhà cửa và thân mạng mà cúng tế quỉ thần, thì không mất giới. Còn ai dốc lòng lễ bái ngoại đạo quỉ thần mới gọi là mất giới. Giả như, có làm việc cúng tế thì không được sát sanh”.

Năm giới gồm nhiếp với mười thiện nghiệp, ba giới sát đạo dâm đối nhiếp nơi thân, về việc cứu hộ chúng sanh, bố thí, phạm hạnh. Một giới không nói dối, đối nhiếp nơi miệng, về lời thành thật, lời chất trực, lời hòa hợp, lời nhu nhuyến. Một giới không uống rượu đối nhiếp nơi ý, về pháp quán bất tịnh, quán từ bi, quán nhân duyên.

Tuy nhiên, riêng Vĩnh Giác nầy thì cho rằng ý ba nhiếp đều ở ngay một giới uống rượu vậy. Năm giới tuy chế ngăn thân, khẩu. Nhưng thực ra thân khẩu mà phạm, hẳn nhiên là do ý ba nhiếp phát khởi. Nếu chỉ ngăn thân khẩu thì chẳng phải là người khéo giữ năm giới, người trì giới nên biết rõ.

Năm giới liên quan với ngũ thường:

Không sát sanh liên quan đến Nhân.

Không trộm cắp liên quan đến Nghĩa.

Không tà dâm liên quan đến Lễ.

Không nói dối liên quan đến Tín.

Không uống rượu liên quan đến Trí.

Kinh Thiện Sanh chép: “Nếu có kẻ thiện nam tín nữ nào bố thí cho chúng sanh khắp cả bốn châu thiên hạ, cúng dường bốn món, suốt 100 năm không bằng công đức giữ gìn năm giới trong một ngày một đêm”.

Đại trí độ luận chép: “Nếu có ai xả bỏ giới này, dù có ở rừng núi tu khổ hạnh, ăn rau quả uống thuốc, khác gì loài cầm thú. Nếu có người tuy ở nhà cao điện lớn, thích mặc áo đẹp, ăn thức ăn ngon mà dốc lòng trì giới thì được sanh về thắng thiện xứ và thành tựu đạo quả”.

BÁT QUAN TRAI

Bát quan trai tổng cộng có 9 chi:

1.  Không sát sanh.

2.  Không trộm cắp.

3.  Không tà dâm.

4.  Không nói dối.

5.  Không uống rượu.

6.  Không đeo tràng hoa và thoa sức dầu thơm vào mình.

7.  Không ca múa hát xướng và đến xem nghe.

8.  Không ngồi trên giường cao rộng.

9.  Không ăn phi thời.

Tám chi trước gọi là quan, ý nói đó là cửa ngõ đóng chặt 8 điều ác, khiến cho các lỗi lầm không sanh khởi. Còn một chi sau gọi là trai, ý nói qua giờ ngọ thì không ăn, đồng với pháp ăn của chư Phật. Hai chúng tại gia trong ba tháng lành, sáu ngày trai và lúc sanh nhật, ngày húy kỵ cha mẹ, ngày làm các việc lành, nên đến trong Tăng cầu thọ giới này. Nếu không có người truyền thì chỉ tâm niệm miệng nói cũng được thành pháp thọ.

Luận Câu Xá chép: “Nếu trước có mống ý sẽ thọ vào ngày trai, dù sau khi ăn cũng được thọ, người thọ giới phải dốc lòng chắp tay nói theo lời người truyền giới, chớ nên nói trước nói sau, nếu trái thì không thành”.

Luận Thành Thật chép: “Năm giới, tám giới tùy theo ngày tháng dài ngắn hoặc một tháng, một năm, cho đến nửa ngày nửa đêm, thọ nhiều thọ ít đều được”.

Luận Tát Bà Đa chép: “Nếu người thọ giới nên nói một ngày, một đêm… nói cho dứt khoát rõ ràng, chớ khiến cho lẫn lộn với giới tướng trọn đời”.

Kinh Tăng Nhất A Hàm chép: “Nếu người thọ tám giới trước phải sám hối tội lỗi rồi sau mới lãnh thọ”.

Kinh A Hàm chép: “Nếu có người nào ở trong sáu ngày trai, một ngày một đêm vâng giữ tám giới, thì phước đức không thể tính kể”.

Luận chép: “Nếu có người tại gia, kẻ nam người nữ trọn đời thọ trì, cuối cùng sẽ được giác ngộ, cho đến một ngày một đêm thọ trì tám giới thì công đức liền vượt trội hơn người suốt đời giữ năm giới. Vì cớ sao? Vì giữ được nhiều giới vậy”.

Kinh Bồ Tát Xử Thai chép: “Tám giới quan trai là cha mẹ của chư Phật”.

Luận Trí Độ chép: “Thời kiếp sơ thánh nhơn dạy giữ gìn trai giới, tu hành nghiệp lành, để lánh những điều hung ác, suốt một ngày không ăn là trai. Sau khi Phật xuất thế dạy người giữ tám giới, qua giờ ngọ không ăn, công đức đó đưa người đạt đến diệu quả Niết Bàn”.

Giới này tuy tạm thời nhưng có công đức rất lớn, do vì mỗi giới đều nói như chư Phật, thì chẳng phải năm giới có thể sánh vậy. Cho nên các kinh luận có chỗ nói nhất định sẽ được giác ngộ, có chỗ nói là cha mẹ của chư Phật, có chỗ nói đưa người đến diệu quả Niết Bàn, người thọ trì nên biết ý này.


Tháng 8 – 2009