tam phúc nghiệp

Phật Quang Đại Từ Điển

(三福業) Cũng gọi Tam phúc nghiệp sự, Tam tính phúc nghiệp sự. I. Tam Phúc Nghiệp. Chỉ cho 3 thứ phúc nghiệp nói trong kinh Tăng nhất a hàm quyển 12, đó là: 1. Thí phúc nghiệp: Người tu hành khi gặp người nghèo cùng đến xin, tùy theo nhu cầu, nếu cần thức ăn thì cho thức ăn, cần áo mặc thì cho áo mặc, cho đến họ cần mền, chiếu, thuốc thang thì đều cung cấp cho họ. Vì bố thí được phúc nên gọi là Thí phúc nghiệp. 2. Bình đẳng phúc nghiệp: Người tu hành thường giữ giới luật, không nghĩ việc ác, phạm hạnh đoan chính, nói năng hòa nhã, đem tâm từ bi bình đẳng thương xót, che chở tất cả chúng sinh, khiến họ được an ổn. Vì tâm bình đẳng mang lại phúc đức nên gọi là Bình đẳng phúc nghiệp. 3. Tư duy phúc nghiệp: Người tu hành dùng trí tuệ tư duy quán xét, rõ biết pháp yếu, xa lìa các trần duyên tạp nhiễm của thế gian. Vì sự tư duy này là nghiệp phúc thiện xuất thế, cho nên gọi là Tư duy phúc nghiệp. II. Tam Phúc Nghiệp. Chỉ cho 3 loại phúc nghiệp: Thí, Giới, Tu.1. Thí loại phúc nghiệp sự (Thí tính nghiệp): Đem những vật như: Thức ăn uống, y phục, mền chiếu, phòng xá, thuốc thang, đèn nến… bố thí cho các bậc sa môn, người tu khổ hạnh, những người xin ăn…; hoặc thực hành thân nghiệp thí, ngữ nghiệp thí, ý nghiệp thí, đó là Thí loại.2. Giới loại phúc nghiệp sự(Giới tính nghiệp): Hễ xa lìa các việc như: Giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, buông lung… đó là Giới loại. 3. Tu loại phúc nghiệp sự (Tu tính nghiệp): Bốn tâm vô lượng: Từ, bi, hỉ, xả, đó là Tu loại. [X. kinh Đại bát nhã ba la mật đa Q.3; luận Tập dị môn túc Q.5; luận Đại tì bà sa Q.82].