tam phật tánh

Phật Quang Đại Từ Điển

(三佛性) I. Tam Phật Tính. Chỉ cho 3 nhân Phật tính: Chính nhân Phật tính, Liễu nhân Phật tính, và Duyên nhân Phật tính, do ngài Trí khải căn cứ vào kinh Đại bát niết bàn Q.28 (bản Bắc) mà lập ra. (xt. Tam Nhân Phật Tính, Phật Tính). II. Tam Phật Tính. Cũng gọi Tam vị Phật tính. 1. Tự tính trụ Phật tính(cũng gọi Trụ tự tình tính): Phật tính của Giai vị phàm phu trước Kiến đạo, là Phật tính vốn sẵn có của chúng sinh mặc dù chúng sinh chưa tu hành. Tự tính của Phật tính này là thường trụ. 2. Dẫn xuất Phật tính(cũng gọi Dẫn xuất tính): Phật tính của Thánh vị Hữu học từ Phát tâm trở lên, nhờ sức tu tập, trí tuệ, thiền định… mà dẫn phát Phật tính vốn có của mình. 3. Chí đắc quả Phật tính(cũng gọi Chí đắc Phật tính, Chí cứu cánh quả): Phật tính của Thánh vị Vô học, nhờ tu nhân đầy đủ mà hiển hiện quả tính, tức là Phật tính sẵn có được thể hiện rõ ràng, giác ngộ rốt ráo.[X. luận Phật tính Q.2; luận Thành duy thức Q.6; Nhiếp đại thừa luận thích Q.7, 9 (bản dịch đời Lương); Hoa nghiêm kinh Khổng mục chương Q.2; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.4]. III. Tam Phật Tính. Chỉ cho 3 loại Phật tính: Lí Phật tính, Hành Phật tính, và Ẩn mật Phật tính được nói trong Duy thức nghĩa tư kí quyển 4, phần đầu. Đó là: 1. Lí Phật tính: Chân như còn bị trói buộc là nhân của quả Phật và 4 đức Niết bàn, gọi là Lí Phật tính. 2. Hành Phật tính: Lục độ vạn hạnh là nhân 4 trí để thành quả Phật bồ đề, gọi là Hành Phật tính. 3. Ẩn mật Phật tính: Tham, sân, si… là pháp sở đoạn, sinh ra trí năng đoạn, như cục phân là nhân của lửa, nên gọi là Ẩn mật Phật tính. [X. luận Năng hiển trung biên tuệ nhật Q.4; Duy thức nghĩa chương Q.4, phần đầu]. (xt.Nhị Phật Tính, Phật Tính).