tam pháp luân

Phật Quang Đại Từ Điển

(三法輪) Gọi tắt: Tam luân. I. Tam Pháp Luân. Chỉ cho 3 pháp luân do ngài Chân đế và ngài Huyền trang thành lập. Đó là: 1. Chuyển pháp luân(cũng gọi Sơ chuyển pháp luân): Tức giáo pháp Tứ đế của Tiểu thừa do đức Phật nói lần đầu tiên ở vườn Lộc dã, thuộc Hữu giáo trong Tam thời giáo.2. Chiếu pháp luân: Chỉ cho giáo pháp kinh Bát nhã nói các pháp đều không, vì đây là lí Không chỉ có hàng Đại thừa thực hành, dùng Không chiếu phá Hữu, cho nên gọi là Chiếu pháp luân, thuộc về Không giáo trong Tam thời giáo. 3. Trì pháp luân: Để loại bỏ lí Không mà thời thứ 2 chấp trước, đức Phật lại nói về 3 tính và diệu lí chân như bất không khiến cho hàng Tam thừa đều tu trì được, cho nên gọi là Trì pháp luận. Đây là giáo pháp Duy thức trung đạo Bất không diệu hữu, tức là Trung đạo giáo trong Tam thời giáo.[X. Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.1; Hoa nghiêm kinh sớ Q.1;Hoa nghiêm kinh huyền tán Q.1]. (xt. Tam Thời Giáo). II. Tam Pháp Luân. Chỉ cho Căn bản pháp luân, Chi mạc pháp luân và Nhiếp mạt qui bản pháp luân do ngài Cát tạng thành lập. 1. Căn bản pháp luân: Trong hội Hoa nghiêm, khi đức Phật mới thành đạo. Ngài vì hàng Bồ tát mà nói pháp môn Nhất nhân nhất quả, gọi là Căn bản giáo. Đây tức là Nhất thừa giáo nói trong kinh Hoa nghiêm. 2. Chi mạt pháp luân: Hàng độn căn phúc mỏng không nghe nổi Nhất thừa giáo 1 nhân 1 quả, cho nên ngoài Nhất Phật thừa, đức Thế tôn còn chia ra nói Tam thừa giáo để thích ứng với mọi căn cơ, đó tức là Chi mạt pháp luân. 3. Nhiếp mạt qui bản pháp luân: Đến hội Pháp hoa, lúc đó cơ duyên đã thuần thục, đức Phật lại qui nhiếp hàng Tam thừa trước kia trở về Nhất thừa, gọi là Nhiếp mạt qui bản pháp luân. Đây chính là giáo pháp Hội tam qui nhất của kinh Pháp hoa. Cứ theo giáo phán trên thì kinh Bát nhã… mà tông Tam luận y cứ đáng lẽ phải thuộc Chi mạt pháp luân, nhưng theo bản ý của ngài Cát tạng thì ở cả 3 thời đức Phật đều giảng nói Đại thừa, mà kinh Bát nhã là kinh Đại thừa nên tất nhiên là thuộc về Căn bản pháp luân.Tông Tam luận dùng giáo phán Nhị tạng làm chính, còn giáo phán Tam pháp luân này thì được xem là phụ.[X. Hoa nghiêm kinh sớ Q.1; Hoa nghiêm kinh sớ sao huyền đàm Q.4; Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm yếu quyết Q.10]. (xt. Hội Tam Qui Nhất).