tam niết bàn

Phật Quang Đại Từ Điển

(三涅槃) I. Tam Niết Bàn. Ba thứ Niết bàn do tông Thiên thai dựa theo 3 phương diện Thể, Tướng, Dụng mà lập ra để nêu tỏ nghĩa bất sinh bất diệt. Đó là: 1. Tính tịnh Niết bàn: Thực tướng các pháp không nhiễm không tịnh, không nhiễm tức không sinh, không tịnh tức không diệt, không sinh không diệt tức là Tính tịnh Niết bàn. 2. Viên tịnh Niết bàn: Trí đạt đến cùng cực là Viên, Hoặc bị trừ hết sạch là Tịnh; Trí mà khế hợp với Lí thì Hoặc rốt ráo chẳng sinh, Trí rốt ráo chẳng diệt, chẳng sinh chẳng diệt tức là Viên tịnh Niết bàn.3. Phương tiện tịnh Niết bàn: Trí thường khế lí thì chiếu rọi các cơ. Chiếu ắt ứng hiện, cơ cảm liền sinh, sinh này chẳng phải sinh, cơ duyên đã hết thì ứng than liền diệt. Diệt này chẳng phải diệt, chẳng sinh chẳng diệt tức là Phương tiện tịnh Niết bàn.Trên đây, theo thứ tự là Thể đại, Tướng đại và Dụng đại trong 3 đại, Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân trong 3 thân. [X. Kim quang minh kinh huyền nghĩa Q.thượng; Pháp hoa huyền nghĩa Q.5 hạ; Thập địa kinh luận nghĩa kí Q.1 phần cuối; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.3, phần 1]. II. Tam Niết Bàn. Ba loại Niết bàn của Tiểu thừa, Tam thừa và Nhất thừa. 1. Niết bàn của Tiểu thừa: Thân và trí đều còn, gọi là Hữu dư Niết bàn; thân và trí đều không còn, gọi là Vô dư Niết bàn. Cả hai đều lấy tịch diệt vô vi làm thể.2. Niết bàn của Tam thừa: Gồm có 5 thứ:a. Vô trụ niết bàn: Vận dụng cả bi và trí, không trụ trước. b. Tính tịnh niết bàn: Vì vốn có sẵn nên Niết bàn này thường vắng lặng, thanh tịnh.c. Phương tiện tịnh niết bàn: Vì Niết bàn này nhờ các duyên tu hành mà có được. d. Hữu dư niết bàn: Vì còn có thân ứng hóa, chưa cùng tận. e. Vô dư niết bàn: Pháp thân vắng bặt, vì thuận theo tịch diệt. 3. Niết bàn của Nhất thừa: Nói theo Biệt giáo thì có 10 thứ Niết bàn, như 10 thứ Niết bàn nói trong phẩm Li thế gian của kinh Hoa nghiêm. [X. Hoa nghiêm kinh khổng mục chương Q.4]. (xt. Niết Bàn).