tam niệm trụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(三念住) Phạm: Trìịi smfty-upasthànàni. Cũng gọi Tam niệm xứ, Tam ý chỉ. I. Tam niệm trụ. Chỉ cho 3 ý niệm trong đó chư Phật thường an trụ. Phật dùng tâm đại bi độ hóa chúng sinh, thường an trụ trong 3 niệm, không có các cảm giác lo mừng, vui buồn. Đây là 1 trong 18 pháp riêng (bất cộng pháp) của đức Phật. Tam niệm trụ là: 1. Đệ nhất niệm trụ: Chúng sinh tin Phật, vâng theo lời Phật dạy mà tu hành, Phật cũng không vì thế mà sinh tâm vui mừng, nhưng thường an trụ trong chính niệm chính trí. 2. Đệ nhị niệm trụ: Chúng sinh không tin Phật, chẳng làm theo lời Phật dạy, Phật cũng không vì thế mà sinh tâm lo buồn, nhưng thường an trụ trong chính niệm chính trí. 3. Đệ tam niệm trụ: Trong chúng sinh có người tin, người không tin, Phật biết điều đó, nhưng không vì thế mà sinh tâm vui buồn, chỉ an trụ trong chính niệm chính trí. Ba niệm trên đây đều lấy niệm và tuệ làm thể, là các công đức chỉ một mình Phật có, chứ hàng nhị thừa không có được. II. Tam Niệm Trụ. Dựa theo thể của Tứ niệm trụ (thân, thụ, tâm, pháp) mà Niệm trụ được chia làm 3 loại sau đây: 1. Tự tính niệm trụ(cũng gọi Tính niệm xứ): Tứ niệm xứ đều lấy tuệ làm thể, có 3 thứ là Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ. 2. Tương tạp niệm trụ(cũng gọi Cộng niệm xứ, Tương ứng niệm xứ): Lấy tuệ và các pháp câu hữu khác làm thể. 3. Sở duyên niệm trụ(cũng gọi Duyên niệm xứ, Cảnh giới niệm xứ): Lấy các pháp sở duyên của tuệ làm thể. Theo luận Đại tì bà sa quyển 187 thì trong Tam niệm trụ trên, Tự tính niệm trụ và Sở duyên niệm trụ không đoạn trừ được phiền não, chỉ có Tương tạp niệm trụ là có khả năng ấy. Ngoài ra, Tứ giáo nghĩa quyển 2 cho rằng tu 3 niệmxứ có khả năng thành tựu 3 loại La hán, như tu Tính niệm xứ có thể thành Tuệ giải thoát la hán; tu Cộng niệm xứ có thể thành Câu giải thoát la hán, tu Duyên niệm xứ có thể thành tựu Vô ngại giải thoát la hán. [X. luận Tạp a tì đàm tâm Q.5; luận Câu xá Q.33; luận Du già sư địa Q.28; luận Đại trí độ Q.19].