tam năng biến

Phật Quang Đại Từ Điển

(三能變) Phạm: Trividha-pariịàma. Ba thứ chủ động sự biến hiện. Hành phái Du già và tông Duy thức chủ trương Thức có năng lực chuyển biến sinh khởi tất cả muôn pháp, hoặc biến hiện là chủ thể của tác dụng nhận thức chủ quan (Kiến phần) và khách quan(Tướng phần) trong nội tâm, vì thế gọi là Năng biến. Y cứ vào đặc tính của tác dụng, Năng biến được chia làm 3 loại là Dị thục, Tư lương và Liễu cảnh. 1. Dị thục (Phạm,Pàli:Vipàka)năng biến(cũng gọi Đệ nhất năng biến, Sơ năng biến): Tức thức A lại da thứ 8. Thức thứ 8 là quả báo chung của hữu tình từ cõi người cho đến các cõi trời, quả báo này do Dẫn nghiệp dắt dẫn mà trở thành thể tổng báo thường hằng tương tục, cho nên gọi là Dị thục, hoặc gọi là Dị thục năng biến, Di thục thức, Chân dị thục. Chẳng hạn như 6 thức trước(mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và quả báo riêng biệt về giàu nghèo, sang hèn… là do thể biệt báo của Mãn nghiệp mà có; nhưng quả báo này có lúc dứt mất nên không gọi là Dị thục mà gọi là Di thục sinh. Nếu nói theo Lại da tam vị thì tên Dị thục thức tương đương với Thiện ác nghiệp quả vị. 2. Tư lương (Phạm: Manana) năng biến(cũng gọi Đệ nhị năng biến): Chỉ cho thức Mạt na thứ 7. Vì thức thứ 7 là thức thường so đo, nghĩ ngợi, tính lường nên gọi là Tư lương năng biến. Trong các thức thì thức thứ 6 và thức thứ 7 luôn luôn suy nghĩ, lo lường, nhưng vì thức thứ 6 có lúc gián đoạn chứ không thường hằng như thức thứ 7 nên không được gọi là Tư lương năng biến.3. Liễu cảnh năng biến(cũng gọi Đệ tam năng biến, gọi đủ: Liễu biệt cảnh năng biến): Tức chỉ cho 6 thức trước(mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Sáu thức này có tác dụng phân biệt rõ ràng các đối tượng(như màu sắc, âm thanh…) khi chúng hiển hiện, cho nên gọi là Liễu biệt cảnh năng biến. Thức thứ 7 và thức thứ 8 thì không có tác dụng phân biệt rõ ràng các đối tượng. Chỉ có 6 thức trước của đức Phật đối với các cảnh nhỏ nhiệm như Chân như cũng có thể phân biệt rõ ràng. Trên đây, thức năng biến thứ nhất do nghiệp đời trước và chủng tử của Danh ngôn biến hiện ra cảnh thực, vì thế gọi là Biến. Trong đó, nếu nói theo chủng tử(hạt giống) được tích chứa thì gọi là Nhân năng biến, còn nói theo phần tự thể của thức thể có năng lực biến hiện mà sinh ra quả Kiến phần và Tướng phần thì gọi là Quả năng biến. [X. Duy thức tam thập luận tụng; luận Thành duy thức Q.4,7; Thành duy thức luận thuật kí Q.1, phần đầu, Q.2, phần đầu]. (xt. Nhân Năng Biến, Quả Năng Biến).