tam lực

Phật Quang Đại Từ Điển

(三力) I. Tam Lực. Ba thứ lực dụng gia trì tương ứng giữa Phật và chúng sinh của Mật giáo. 1. Ngã công đức lực: Sức công đức thiện căn của hành giả tu diệu hạnh tam mật thân, khẩu, ý; là duyên tăng thượng của Liễu nhân Phật tính. 2. Như lai gia trì lực: Sức đại bi gia trì hộ niệm của Như lai; là duyên tăng thượng của Duyên nhân Phật tính. 3. Pháp giới lực: Chỉ cho sức pháp giới thanh tịnh của pháp tính tâm, Phật, chúng sinh là bình đẳng bất nhị, là thân nhân duyên của Chính nhân Phật tính. Ba thứ lực dụng này gia trì lẫn nhau, dung nhập vào nhau không ngăn ngại, mở ra tính Phật sẵn có của hành giả để thành Phật, vì thế gọi là Tam lực hòa hợp, Tam lực gia trì. Đại nhật kinh sớ quyển 11 (Đại 39, 696 hạ) nói: Nhờ sức công đức của hành giả, nhờ sức gia trì của Như lai, nhờ sức pháp giới bình đẳng hợp lại, nên thành tựu được sự nghiệp bất khả tư nghì. [X.kinh Tạp a hàm Q.26; kinh Đại nhật Q.3, 7; Đại nhật nghĩa thích Q.8]. II. Tam Lực. Ba năng lực thành tựu mọi hành pháp, đó là: 1. Pháp lực(cũng gọi kinh pháp lực): Tức năng lực của kinh Diệu pháp liên hoa. Kinh này nói về công đức tự lợi lợi tha của chư Phật trong 3 đời, 10 phương, là diệu pháp trọng yếu của 8 vạn pháp tạng, là hạnh nguyện tu hành của chư Phật quá khứ và chư Phật vị lai. Cho nên, nương vào 2 hạnh hữu tướng và vô tướng của Pháp hoa mà tu Tam muội thì thành tựu tất cả các hạnh. 2. Phật lực (cũng gọi Nguyện lực): Chỉ cho nguyện lực của Phật muốn làm cho người tu hành được giải thoát. Nguyện thứ 52 trong 500 đại nguyện của đức Thích tôn nói: Đối với các pháp vi diệu, nếu chúng sinh khởi 1 niệm tin tưởng và dốc lòng thụ trì thì Như lai và chư Phật 10 phương đều hiện thân, hoặc ẩn thân trước mặt người ấy, người ấy có nguyện điều gì thì chắc chắn được thành tựu, cho đến mau thành đạo Vô thượng. 3. Tín lực: Lòng tin được khởi dậy do tự lực của hành giả. Tức đối với Phật pháp sinh lòng tin tưởng không nghi ngại, đối với việc xuất li sinh tử, chứng đắc bồ đề không sinh tâm do dự. Nếu 3 năng lực này thầm hợp thì thành tựu diệu hạnh, gọi là Tam lực minh hợp. III. Tam Lực. Ba năng lực được lợi ích thấy Phật khi hành giả nhập vào định Tam muội: Uy thần lực,Tam muội lực vàBản công đức lực. Hai lực trước là Phật lực, lực thứ ba là thiện lực đời trước của chúng sinh. Có thuyết nói rằng lực trước thuộc về Phật lực, 2 lực còn lại là lực dụng của chúng sinh.Trong trường hợp nào cũng đều có ý là lực dụng của chúng sinh và lực dụng của Phật phải dựa vào nhau mới được lợi ích thấy Phật.[X. Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.2, phần 1]. (xt. Tam Niệm Nguyện Lực).