tam luận huyền nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(三論玄義) Tác phẩm, 1 quyển, do ngài Cát tạng soạn vào đời Tùy, được thu vào Đại chính tạng tập 45. Nội dung sách này trình bày 1 cách khái quát về đại nghĩa của ba bộ Trung luận, Bách luận và Thập nhị môn luận mà tông Tam luận y cứ, là sách cương yếu ngắn gọn, sáng sủa nhất của tông Tam luận, đồng thời, cũng là sách nhập môn để hiểu rõ tư tưởng Trung quán của ngài Long thụ. Sách này chia làm 2 môn: Thông tự đại qui và Biệt thích chúng phẩm. Môn Thông tự đại qui lại chia ra 2 chương Phá tà và Hiển chính. Trong chương Phá tà gồm có các mục: Tồi ngoại đạo, Chiết tì đàn, Bài Thành thực và Ha đại chấp, trong chương Hiển chính thì có các mục: Minh nhân chính và Hiển pháp chính. Môn Biệt thích chúng phẩm thì trước hết, nói rõ về lí do tạo luận, kế đến trình bày về những điểm chung và riêng giữa các bộ, đặt tên và ý chỉ qui kết của các luận, cuối cùng, y cứ vào Tam luận để phu diễn tông yếu. Toàn sách bài bác ngoại đạo, chê trách các mê chấp của Phật giáo Đại, Tiểu thừa mà nêu tỏ cái lí các pháp tính không và trung đạo phi hữu phi không của tông Tam luận. Ngoài ra, sách này còn liệt kê 8 điểm chung của Tam luận và đặc sắc riêng của mỗi luận, như Bách luận thì phá ngoại giáo là chính, Trung luận thì giảng Đại, Tiểu thừa, còn Thập nhị môn thì phá chỗ mêchấp của Đại thừa mà hiển bày chính giáo.[X. Phật điển sớ sao mục lục Q.thượng].