tam loại cảnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(三類境) I. Tam Loại Cảnh. Cũng gọi Tam loại, Tam cảnh. Chỉ cho 3 loại cảnh do tông Pháp tướng căn cứ vào tính chất của cảnh sở duyên mà thành lập, đó là: 1. Tính cảnh: Chỉ cho cảnh chân thực. Cảnh này tự giữ lấy tính chất của nó, không theo tâm. Tức chỉ cho cảnh có đầy đủ thể tính và tác dụng chân thực và do chủng tử thật sinh khởi. Nó bao gồm tướng phần(chủng tử, ngũ căn, khí thế gian) của thức thứ 8, tướng phần của 5 thức trước và Ngũ câu ý thức(đồng thời sinh khởi với bất cứ thức nào trong 5 thức trước). Cảnh này có 3 thứ Bất tùy tâm(chẳng theo tâm) a. Tính bất tùy: Kiến phần năng duyên chung cả 3 tính thiện, bất thiện và vô ký, tướng phần sở duyên chỉ có tính vô kí, tính Bất tùy năng duyên chung cả 3 tính. b. Chủng bất tùy: Kiến phần từ Tự kiến phần sinh ra, Tướng phần cũng từ Tự tướng phần sinh ra chứ không theo chủng tử năng duyên sinh ra. c. Hệ bất tùy: Hệ chỉ cho giới địa hệ (nơi chỗ trói buộc). Nghĩa là giới địa hệ của cảnh sở duyên không theo tâm năng duyên. Như 5 thức trước, thức thứ 8 và Ngũ câu ý thức, khi duyên theo 5 trần của tự giới, thì tướng phần và năng duyên tuy là Dục giới hệ, nhưng 5 trần sở duyên chẳng phải theo năng duyên để trở thành Dục giới hệ. 2. Độc ảnh cảnh: Độc là khác với bản chất; ảnh là bóng dáng, tức tướng phần. Nghĩa là cảnh do vọng phân biệt nương vào tâm năng duyên mà biến sinh ra, chỉ là bóng dáng chứ không có bản chất. Như lông rùa, sừng thỏ, hoa đốm… do thức thứ 6 vọng phân biệt mà biến ra, toàn thuộc ảo ảnh. Cảnh này có 3 thứ tùy tâm: a. Tính tùy tâm: Cảnh và tâm năng duyên cùng chung 1 tính. b. Chủng tùy tâm: Cảnh và tâm năng duyên từ cùng 1 chủng tử sinh ra. c. Hệ tùy tâm: Cảnh và tâm năng duyên cùng chung 1 giới hệ. 3. Đới chất cảnh: Đới chất là bản chất kiêm đới. Nghĩa là tâm năng duyên duyên theo cảnh sở duyên, tướng phần của nó có bản chất làm chỗ nương chứ không có tự tướng của cảnh. Cảnh này do năng lực của tâm và cảnh hợp thành, ở khoảng giữa Tính cảnh và Độc ảnh cảnh. Như tướng phần hiển hiện khi thức thứ 7 duyên theo kiến phần của thức thứ 8 và thức thứ 6 truy tưởng hình tượng của quá khứ. Cảnh này có 3 thứ Thông tình bản(Tình là kiến phần năng duyên; bản là bản chất). a. Tính thông tình bản: Như khi kiến phần của thức thứ 7 duyên theo kiến phần của thức thứ 8 thì tướng phần được biến hiện ra không khác loại, nhưng 1 nửa cùng loại với bản chất và một nửa cùng loại với kiến phần năng duyên, nếu từ bản chất sinh thì là tính vô phú vô kí, còn nếu từ kiến phần năng duyên sinh thì là tính hữu phú vô kí, tính ấy bất định. b. Giới thông tình bản(cũng gọi Hệ thông tình bản): Giới địa của tướng phần này chung với giới địa hệ của bản chất và kiến phần mà là bất định. c. Chủng thông tình bản: Chủng tử của tướng phần này cũng tùy theo bản chất và kiến phần mà bất định. Tên gọi của 3 loại cảnh tuy trong các kinh không thấy ghi chép, nhưng về vấn đề Tướng phần và Kiến phần là cùng loại hay khác loại thì ở Ấn độ đã có các thuyết khác nhau, đến thời Ngài Huyền trang thì thuyết của ngài Hộ pháp được dùng làm chính nghĩa, ngài làm ra bài tụng truyền cho đệ tử là sư Khuy cơ như sau (Đại 43, 633 trung): Tính cảnh bất tùy tâm Độc ảnh duy tòng kiến Đới chất thông tình bản Tính chủng đẳng tùy ứng. Sau, ngài Khuy cơ giải thích rằng: Tướng phần do khác loại sinh ra là Tính cảnh, Tướng phần do cùng loại sinh ra là Độc ảnh cảnh và Tướng phần do cả 2 cùng loại và khác loại sinh ra là Đới chất cảnh. [X.Thành duy thức luận chưởng trung xu yếu Q.thượng, phần cuối; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.4, phần cuối; Bách pháp vấn đáp sao Q.2]. II. Tam Loại Cảnh. Chỉ cho 3 loại cảnh mà thức A lại da thứ 8 duyên theo, đó là: 1. Chủng tử cảnh: Thức thứ 8 có khả năng nắm giữ chủng tử của tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, nên gọi là Chủng tử cảnh. 2. Căn thân cảnh: Thức thứ 8 là tâm tròn sáng rõ suốt, phát khởi tướng trần lao trong, ngoài; từ 1 tâm tròn sáng lặng lẽ, chia ra căn trần, tụ tập 4 đại bên trong làm thân phần, cho nên gọi là Căn thân cảnh. 3. Khí thế gian cảnh: Từ thức thứ 8 chuyển tướng mà thành hiện tướng, tức các cảnh giới núi sông, đất đai…, vì vậy gọi là khí thế gian cảnh.