tam khoa

Phật Quang Đại Từ Điển

(三科) Tất cả các pháp được chia làm 3 loại: Uẩn, Xứ, Giới gọi là Tam khoa. Uẩn xứ giới cũng gọi là Ấm nhập giới, Ấm giới nhập. Tức là: 1. Ngũ uẩn(cũng gọi Ngũ ấm, Ngũ chúng, Ngũ tụ): Chỉ cho sắc, thụ, tưởng, hành, thức. 2. Thập nhị xứ (cũng gọi Thập nhị nhập): Chỉ cho 6 căn(mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và 6 trần(sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). 3. Thập bát giới: Gồm 6 căn(mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và 6 thức(thức mắt, thức tai, thức mũi, thức lưỡi, thức thân, thức ý). Theo luận Câu xá quyển 1 thì y cứ vào mức ngu muội khác nhau mà chia ra 3 khoa, như đối với người ngu về tâm sở thì chia nhỏ tâm sở mà nói Ngũ uẩn; với người ngu về sắc pháp thì chia nhỏ sắc pháp mà nói Thập nhị xứ; với người ngu cả về tâm pháp và sắc pháp thì chia nhỏ sắc pháp và tâm pháp mà nói Thập bát giới. Nếu y cứ vào căn cơ lợi(bén nhạy), độn,(cùn lụt), thì với người lợi căn, nói Ngũ uẩn, với người Trung căn, nói Thập nhị xứ, với người độn căn thì nói Thập bát giới. Tức dựa vào 3 khoa để quán xét con người và thế giới, rồi căn cứ vào tình huống khác nhau giữa mê và ngộ của phàm phu mà thiết lập lí vô ngã để phá trừ cái mê lầm chấp ngã. Các bộ phái Tiểu thừa đối với Tam khoa có đặt ra vấn đề giả và thật. Trong đó, Thuyết nhất thiết hữu bộ chủ trương Tam khoa đều là thật, Kinh bộ thì chủ trương Uẩn, Xứ là giả, chỉ có Giới là thật. Còn luận Câu xá thì cho rằng Uẩn là giả, Xứ và Giới là thật. Theo luận Câu xá thì Uẩn có nghĩa tích tụ, tích tụ nhiều pháp là Uẩn, vì thế Uẩn là pháp giả; còn Xứ và Giới thì không phải vậy, nên là thật. Hữu bộ thì cho rằng một pháp trong uẩn có cái tướng của Uẩn, do đó gọi là Uẩn, chứ không phải tích tụ nhiều pháp mới gọi là Uẩn, vì thế uẩn là pháp thật. Kinh bộ thì chủ trương Xứ là sự tích tụ của cực vi, là cửa sinh ra thức, cho nên là giả. Thuyết giả bộ thì cho Uẩn là thật, Xứ và Giới là giả, vì Xứ là 6 căn, 6 cảnh đối nhau, Giới là căn, cảnh đối nhau, thức, cảnh đối nhau, căn, thức đối nhau mới thành lập được, Uẩn thì không phải thế, nên Uẩn là thật. [X. luận Đại tỳ bà sa Q.71, 72, 73, 74; luận Tạp a tì đàm tâm Q.1; Câu xá luận quang kí Q.1; Đại thừa nghĩa chương Q.8, phần đầu; Bách pháp vấn đáp sao Q.1]. (xt. Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Ngũ Uẩn).