tam ích

Phật Quang Đại Từ Điển

(三益) I. Tam Ích. Cũng gọi chủng thục thoát. Chỉ cho 3 thứ lợi ích: Hạ chủng ích, Điều thục ích và Giải thoát ích do tu hành mà có được. 1. Hạ chủng ích: Lợi ích của sự gieo giống. Tức đem việc người nông dân gieo hạt giống xuống ruộng để ví dụ cho việc đức Phật gieo hạt giống đắc đạo thành Phật vào trong ruộng tâm của chúng sinh; đây chính là sự kết duyên đầu tiên của chúng sinh với Phật pháp. 2. Điều phục ích: Lợi ích của hạt giống thành thục. Dùng việc hạt giống nảy mầm rồi dần dần lớn lên và thành thục để ví dụ cho hạt giống Phật trong ruộng tâm của chúng sinh dần dần tăng trưởng và thành tựu.3. Giải thoát ích: Lợi ích của sự giải thoát. Dùng việc hạt giống thành thục và được thu họach để ví dụ cho hạt giống Phật đã hoàn toàn điều thục, nhân viên quả mãn, được tự tại giải thoát. [X. luận Câu xá Q.23; luận Đại tì bà sa Q.178; Pháp hoa văn cú Q.1]. (xt. Chủng Thục Thoát). II. Tam Ích. Chỉ cho 3 thứ lợi ích ví như lá, hoa, quả của cây giác ngộ mà Bồ tát mang lại cho chúng sinh sau khi tu hành thành tựu 6 loại Ba la mật, được Nhất thiết chủng trí. Đó là: 1. Diệp ích: Sự lợi ích của lá. Tức chúng sinh nhờ Bồ tát mà được xa lìa 3 đường ác, đó là Diệp ích chúng sinh. 2. Hoa ích: Sự lợi ích của hoa. Tức chúng sinh nhờ Bồ tát mà được sinh vào các nhà dòng dõi lớn như Sát đế lợi, Bà la môn, Cư sĩ… các cõi trời như cõi Tứ thiên vương cho đến cõi Phi tưởng phi phi tưởng đó là Hoa ích chúng sinh. 3. Quả ích: Sự lợi ích của quả. Tức Bồ tát được Nhất thiết chủng trí, khiến chúng sinh được các quả như Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi phật, cho đến quả Phật. Nhờ pháp Tam thừa, chúng sinh dần dần tiến vào Niết bàn vô dư, đó là Quả ích chúng sinh. Tông Thiên thai đem Tam ích này theo thứ tự phối hợp với Viên giáo quán hành ích, Viên giáo tương tự ích và Viên giáo phần chân ích. [X. kinh Đại phẩm bát nhã Q.22; luận Đại trí độ Q.85; Ma ha chỉ quán Q.7 thượng].