tam hữu đối

Phật Quang Đại Từ Điển

(三有對) Chỉ cho 3 thứ Hữu đối là Chướngngại hữu đối, Cảnh giới hữu đối và Sở duyên hữu đối. Đối có nghĩa là ngại, là ngăn trở. Tức các pháp 5 căn, 5 cảnh, tâm và tâm sở bị ngăn ngại không sinh ra được, hoặc cảnh sở thủ sở duyên bị câu thúc không thể chuyển được cảnh khác. Đó là: 1. Chướng ngại hữu đối: Các sắc pháp 5 căn, 5 cảnh… tự ngăn ngại và làm chướng ngại lẫn nhau, như tay này ngăn ngại tay kia, vật này làm trở ngại vật khác… 2. Cảnh giới hữu đối: Năm căn, 7 tâm giới và tâm sở tương ứng bị các sắc cảnh… câu thúc, chướng ngại nên thủ cảnh không được tự tại, như mắt của loài cá bị nước làm chướng ngại, mắt người bị đất ngăn ngại.3. Sở duyên hữu đối: Vì 6 thức và 1 phần pháp cảnh bị ngăn ngại nên tác dụng duyên lự không được tự tại. Cảnh giới hữu đối khác với Sở duyên hữu đối, tức Cảnh giới hữu đối là 5 căn và pháp tâm, tâm sở đối với cảnh giới của chúng có công năng thấy nghe và nắm bắt; còn Sở duyên hữu đối là các pháp tâm, tâm sở chấp chặt vào cảnh giới của chúng, nên mang theo hình tướng mà sinh khởi. Nếu lại so sánh giữa Chướng ngại hữu đối và Cảnh giới hữu đối thì cũng có sự khác nhau, tức 7 tâm giới và các pháp tương ứng thuộc 1 phần của pháp giới là cảnh giới chứ không phải chướng ngại; 5 cảnh như sắc… là chướng ngại chứ không phải cảnh giới; 5 căn như nhãn… vừa là chướng ngại và vừa là cảnh giới, pháp phi tương ứng thuộc 1 phần của pháp giới chẳng phải chướng ngại, cũng chẳng phải cảnh giới. Còn nếu so sánh giữa Cảnh giới hữu đối và Sở duyên hữu đối thì Sở duyên hẹp hơn Cảnh giới, tức Sở duyên phải là Cảnh giới, nhưng Cảnh giới chưa hẳn là sở duyên, như 5 căn nhãn… vậy. [X. luận Tạp a tì đàm tâm Q.1; luận Thành duy thức Q.1; Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng Q.2].