tam giới duy tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(三界唯心) Cũng gọi Tam giới duy nhất tâm. Ba cõi do một tâm. Tất cả mọi hiện tượng trong 3 cõi đều do tâm biến hiện ra, vì tâm là bản thể của muôn vật nên không 1 vật nào ngoài tâm. Kinh Hoa nghiêm (bản 60 quyển) quyển 10 (Đại 9, 465 hạ) nói: Tâm như người thợ vẽ, vẽ các thứ 5 ấm, trong tất cả thế giới, không pháp nào chẳng tạo. Tâm cũng như Phật, Phật cũng như chúng sinh. Tâm, Phật và chúng sinh, cả 3 không sai khác. Chư Phật đều biết rõ, tất cả do tâm chuyển, (…) tâm tạo các Như lai. Về nghĩa của Tâm này; các nhà Pháp tính và Pháp tướng đều nói khác nhau: Theo tông Pháp tướng thì Tâm này là chỉ cho tâm thức A lại da, vì dùng tâm này mà chứng A lại da duyên khởi là nghĩa duy thức biến hiện, cho nên Nhiếp đại thừa luận thích quyển 4 giải là Tam giới duy thức nghĩa là tâm tương ứng với các ái kết như dục… nên bị đọa trong 3 cõi. Còn theo tông Pháp tính thì Tâm này là chỉ cho Tự tính thanh tịnh tâm của Như lai tạng, có nghĩa là chân như tùy duyên mà tạo tác các pháp. Tức là Tâm tạo tất cả pháp, còn tất cả pháp thì vốn lìa tướng ngôn thuyết, tướng danh dự, tướng tâm duyên, rốt ráo bình đẳng, không chuyển dời, không đổi khác, tất cả chỉ có Tâm này, cho nên gọi là Chân như. Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh sớ quyển 40 căn cứ vào nghĩa này mà nêu ra 3 cách giải thích khác nhau: 1. Hàng nhị thừa thấy cảnh trước mắt không rõ đó là duy tâm, giả sử có nghe nói tâm thì cũng chỉ cho đó là 1 trong các chân đế, hoặc cho là do tâm chuyển biến, chứ chẳng phải đều là tâm. 2. A lại da dị thục được coi là 1 tâm, vì chỉ có tâm chứ không có ngoại cảnh nên nói là 1 tâm. 3. Tính Như lai tạng thanh tịnh, lí không có 2 thể nên vốn là 1 tâm. [X. Thập địa kinh luận Q.8; luận Biện trung biên Q.thượng, luận Đại thừa khởi tín; Đại nhật kinh sớ Q.2; Duy thức nhị thập luận thuật kí Q.thượng].