tam giải thoát môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(三解脫門) Phạm: Trìịi vimokwa-mukhàni. Gọi tắt: Tam Giải thoát, Tam thoát môn, Tam môn. Chỉ cho 3 pháp môn giúp hành giả được giải thoát, đến Niết bàn. Đó là: 1. Không môn (Phạm: Sùnyatà): Quán xét tất cả các pháp đều không tự tính, do nhân duyên hòa hợp mà sinh; nếu thông suốt lí ấy thì đối với các pháp được tự tại. 2. Vô tướng môn (Phạm: Animitta), cũng gọi Vô tưởng môn: Đã biết tất cả pháp là Không, liền quán tưởng các tướng nam nữ, nhất dị… thực bất khả đắc; nếu thông suốt lí các pháp vô tướng, thì lìa tướng sai biệt mà được tự tại. 3. Vô nguyện môn (Phạm: Apraịihita), cũng gọi Vô tác môn, Vô dục môn: Nếu biết tất cả pháp vô tướng thì trong 3 cõi không mong cầu điều gì; nếu không mong cầu thì không tạo tác nghiệp sinh tử; nếu không tạo nghiệp sinh tử thì không phải chịu quả khổ, do đó được tự tại. Ba môn giải thoát nương vào 3 Tam muội vô lậu là Không tam muội, Vô tướng tam muội, và Vô nguyện tam muội mà vào; 3 Tam muội này giống như 3 cái cửa đưa vào giải thoát, cho nên gọi là Tam giải thoát môn. Tuy nhiên, Tam muội chung cho cả hữu lậu và vô lậu, còn Tam giải thoát môn thì chỉ dành cho vô lậu thôi. Bởi vì Tam giải thoát môn là Pháp đặc biệt thanh tịnh vô lậu của thế gian và xuất thế gian nên là cửa vào của Niết bàn. Ngoài ra, theo luận Du già sư địa quyển 74 thì Tam giải thoát môn là y cứ vào tam tự tính mà được kiến lập, tức do tự tính Biến kế sở chấp mà lập Không giải thoát Tam Giai Phật Pháp (bản đào được ở Đôn hoàng) môn, do tự tính Y tha khởi mà lập Vô nguyện giải thoát môn và do tự tính Viên thành thực mà lập Vô tướng giải thoát môn. [X. luận Câu xá Q.28; luận Đại tì bà sa Q.104; Thập địa kinh luận Q.8; Đại thừa nghĩa chương Q.2; Ma ha chỉ quán Q.7 thượng]. (xt. Tam Tam Muội).