tâm giải thoát

Phật Quang Đại Từ Điển

(心解脫) Phạm: Citta-vimukti. Đối lại: Tuệ giải thoát. Nhờ năng lực thiền định mà thoát khỏi định chướng. Nghĩa gốc của từ này là tâm đã giải thoát khỏi tất cả sự ràng buộc; vì cái đương thể của sự giải thoát chính là tâm nên gọi là Tâm giải thoát; còn nhờ trí tuệ mà được giải thoát thì gọi là Tuệ giải thoát. Nhưng đời sau, từ này đã được thuật ngữ hóa mà gọi trạng thái diệt hết vô minh là Tuệ giải thoát, trạng thái diệt hết khát ái là Tâm giải thoát. Lại đem Tâm giải thoát liên kết với thiền định mà giải thích là nương vào định mà giải thoát khỏi định chướng, tương ứng với Vô tham gọi là Tâm giải thoát; nương vào tuệ mà giải thoát khỏi phiền não chướng, tương ứng với Vô si gọi là Tuệ giải thoát, cùng lúc giải thoát cả hai thì gọi là Câu giải thoát. Tông Câu xá thì chia A la hán làm 2 loại giải thoát là Tuệ giải thoát và Câu giải thoát(được định Diệt tận). Ngoài ra còn có các thuyết về Tâm giải thoát như: Vô lượng tâm giải thoát, Vô sở hữu tâm giải thoát… [X. kinh Thuyết xứ trong Trung a hàm Q.29; luận Đại tì bà sa Q.101; phẩm Chỉ quán trong luận Thành thực Q.15; luận Tập dị môn túc Q.3; luận Câu xá Q.25].