tam giả thí thiết

Phật Quang Đại Từ Điển

(三假施設) Gọi tắt: Tam Giả. I. Tam Giả Thi Thiết. Cũng gọi Tam nhiếp đề, Tam ba la nhiếp đề. Chỉ cho 3 thứ pháp giả được thiết lập trong kinh Bát nhã. Đó là: 1. Pháp giả: Pháp chỉ cho các pháp sắc tâm, tự tính của các pháp ấy xưa nay vốn hư giả không thật, cho nên gọi là Pháp giả. Các pháp nhờ nhân duyên giả hợp mà sinh, không có thực tính, đó là Tự tính giả.2. Thụ giả: Pháp chung hàm chứa pháp riêng mà cấu thành nhất thể, như hàm chứa 4 đại mà thành cỏ cây, hòa hợp 5 uẩn mà thành chúng sinh, tức hợp riêng làm chung, nên gọi là Thụ giả. 3. Danh giả: Danh là tên gọi của tất cả các pháp; vì pháp nương theo ý tưởng giả mà đặt ra tên gọi cho nên gọi, là Danh giả.Theo thứ tự quán xét để phá bỏ thì trong Tam quán, trước hết phá bỏ Danh giả, kế đến, phá bỏ Thụ giả và sau cùng phá bỏ Pháp giả mà chứng nhập thực tướng các pháp, tức là Chân không. [X. kinh Đại phẩm bát nhã Q.23; luận Đại trí độ Q.41; Đại thừa nghĩa chương Q.1; Đại thừa huyền luận Q.1]. II. Tam Giả Thi Thiết. Chỉ cho Nhân thành giả, Tương tục giả và Tương đãi giả được nói trong phẩm Giả danh tướng của luận Thành thực. Tức là: 1. Nhân thành giả: Tất cả pháp hữu vi đều nhờ nhân duyên mà được thành lập, cho nên gọi là giả. 2. Tương tục giả: Tâm thức chúng sinh niệm niệm nối nhau, niệm trước vừa diệt, niệm sau sinh liền. Trong dòng nối tiếp này vốn không có thực thể, cho nên gọi là giả.3. Tương đãi giả: Tất cả các pháp đều có đối đãi, như đối với dài mà nói ngắn, đối với ngắn mà nói dài, đối với không mà nói có, đối với có mà nói không, lớn nhỏ, nhiều ít, mạnh yếu… cũng đều như thế. Biết rõ các pháp đối đãi này vốn không có thực thể, cho nên gọi là giả. Ngoài ra, luận Thành duy thức quyển 8, cũng nêu Tam giả là Tụ tập giả, Tương tục giả và Phần vị giả. Như cái bình, cái chậu, hữu tình… do nhiều pháp đồng thời tụ tập lại mà thành, năng tập tuy thật nhưng sở thành là giả, gọi là Tụ tập giả, tương đương với Nhân thành giả nói ở trên; như nhân quả các đời quá khứ, vị lai… trong nhiều pháp nhiều thời gian lập thành 1 pháp giả, gọi là Tương tục giả, cũng giống với Tương tục giả nói ở trên; như pháp Bất tương ứng hành trong 1 pháp cùng 1 thời gian thành lập 1 pháp giả, gọi là Phần vị giả, tương đương với Tương đãi giả nói ở trên.[X. phẩm Giáo hóa kinh Nhân vương bát nhã ba la mật Q.thượng; Thành duy thức luận thuật kí Q.9; Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng Q.6, phần cuối; Ma ha chỉ quán Q.5; Chỉ quán phụ hành truyền hoằngquyết Q.5, phần 5]. III. Tam Giả Thi Thiết. Y cứ vào nghĩa Tam vô tính thì 5 uẩn, 12 nhân duyên, mỗi pháp đều có Tam giả là Phân biệt giả, Y tha giả và Chân thực giả. Cảm nhận khổ, vui là Phân biệt giả; thể của phân biệt do nhân duyên mà sinh, tức do nhân sinh ra quả, là Y tha giả, còn như Đệ nhất nghĩa đế là Chân thực giả. [X. luận Thập bát không].