tam định tụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(三定聚) Phạm: Trayo-ràzaya#. Pàli:Tayo ràsì. Gọi tắt: Tam tụ,Tam đế. Chỉ cho 3 loại chúng sinh được chia theo lập trường tu hành cầu chính quả, đó là: Chính định tụ, Tà định tụ, Bất định tụ. Ba loại Định tụ này còn có nhiều tên khác như: Chính tính định tụ, Tà tính định tụ, Bất định tính tụ; hoặc Tất chính tụ, Tất tà tụ, Bất định tụ; hoặc Trực kiến tế, Tà kiến tế, Diệc bất tại tà diệc bất tại chính kiến tế(gọi tắt là Chính định, Tà định, Bất định). Tên gọi của 3 tụ nói trên được thấy trong kinh A hàm; tuy nhiên, kinh A hàm còn nói 3 tụ khác nữa là Đẳng tụ, Tà tụ, Bất định tụ; hoặc Thiện tụ, Đẳng tụ và Định tụ. Cứ theo luận Câu xá quyển 10, các bậc Thánh từ Kiến đạo trở lên dứt hết Kiến hoặc… thì tất định chứng vào Trạch diệt (tức Niết bàn, được gọi là Chính tính), đây là Chính tính định tụ; những người phạm 5 tội Vô gián thì chắc chắn phải đọa vào địa ngục, đây là Tà tính định tụ(ba đường ác gọi là Tà tính); còn các trường hợp khác thì tùy theo thứ tự bất định, đó là Bất định tính tụ. Luận Du già sư địa quyển 64 chia mỗi tụ trong 3 tụ làm 2 loại là Bản tính và Phương tiện mà thành là 6 tụ. Dựa theo đó, tông pháp tướng căn cứ vào giáo nghĩa Ngũ tính các biệt để giải thích. Còn tông Hoa nghiêm thì theo 5 phương diện đắc, thất như chủng tính, giải hoặc, hành nghiệp, tà chính vị và Đại thừa bồ tát để giải thích. Luận Thích ma ha diễn quyển 1, phối hợp 3 tụ với giai vị Bồ tát, cho rằng Thập tín trở xuống là Tà định, Thập tín là Bất định, Thập tín trở lên là Chính định. Cứ theo kinh Vô lượng thọ quyển hạ thì ở cõi Tịnh độ của đức Phật A di đà không có Tà định tụ và Bất định tụ…, tất cả đều trụ trong Chính định tụ mà thường được gọi là Xứ bất thoái(không còn trở lui để bị rơi vào chỗ ác duyên). Căn cứ vào đây mà Tịnh độ Chân tông của Nhật bản cho rằng hành giả tin vào tha lực theo nguyện thứ 18 là Chính định tụ; hành giả tạp tu muôn điều thiện theo điều nguyện thứ 19 là Tà định tụ; còn những hành giả dùng tự lực niệm Phật theo nguyện thừ 20 là Bất định tụ. Chỉ có các hành giả Chính định tụ được Báo độ chân thực mới có khả năng thành Phật. [X. kinh Phóng quang bát nhã Q.12; luận Đại tì bà sa Q.186; Hoa nghiêm kinh thám huyền nghĩa Q.3; Viên giác kinh đại sớ sao Q.3, phần đầu].