3. TÂM ÐỊA

Thưa quý vị,

Chúng ta thường nói tâm địa để chỉ cho cõi lòng, tâm thức của mỗi con người hiền dữ, tốt xấu. Kỳ này tôi đến đây hướng dẫn quý vị tu tịnh nghiệp và giảng kinh Bát Ðại Nhân Giác, tôi muốn lược trình bày về ý nghĩa của chữ Tâm địa.

Sáng hôm nay, tôi đi kinh hành niệm Phật trên đường phố Chicago, trong lúc quý vị tụng thời công phu sáng. Mỗi lần đến thành phố này hoằng pháp, theo thói quen mỗi sáng, tôi đều làm như vậy. Khác với mọi lần trước đây, lần này cảnh vật mùa thu làm cho tôi xúc cảm nhiều.

Nhìn đâu đâu, cây lá cũng đều màu vàng và đang chuyển sang màu đỏ ối. Khắpmặt đường, bãi cỏ gốc cây, đó đây phủ đầy lá vàng khô. Thỉnh thoảng có những chiếc lá lìa cành rơi bám lên người tôi như mời gọi thăm hỏi để làm quen. Có vài chiếc lá rơi theo nhịp chân kinh hành, mãi đến khi có làn gió nhẹ mới chịu rời tôi, rồi vội lượn đôi ba vòng như để chào tạm biệt, trước khi nằm yên trên mặt đất. Có những chiếc lá lặng lẽ rời cành nhẹ bay như để tìm nơi, rồi im lìm nằm phơi trên mặt dất, một cách thản nhiên an lành. Có những chiếc lá lìa cành theo làn gió thoảng, bay lượn mấy vòng trên không, như múa may đùa giỡn với vạn vật cùng chung số kiếp vô thường sanh diệt. Có những chiếc lá rời cành rồi bay ngược lên, như luyến tiếc thời xuân sanh hay muốn bám víu để kéo dài thêm kiếp sống. Có những chiếc lá đã rơi gần mặt đất rồi lại bay bỗng lên hư không, nhào lộn quay cuồng mấy vòng, như để chống trả tử thần vào giờ phút chót, cố sức bay giữ cho thăng bằng, tựa hồ lưu luyến, lướt qua ngọn cỏ cành hoa, rồi từ từ kiệt sức mới chịu nằm yên trên mặt đất.

Có những người vui vẻ an nhiên tự tại trước cái lẽ vô thường sanh diệt của kiếp người và vạn vật, nên sự sống chết còn mất giống như một chuyến du lịch trở về quê cũ, không làm cho họ mảy may xúc động. Có những kẻ đau khổ trước sự sanh ly tử biệt. Có những kẻ tham luyến sâu dày, nên dù đến hơi thở cuối cùng của kiếp sống mà lòng tham ái lưu luyến tiếc nuối cũng vẫn trào dâng thúc bách làm cho họ uất ức khổ đau. Có những kẻ do lòng vô minh dày đặc, suốt đời đắm say trên đời với vợ con tiền bạc danh vọng, nên khi quỷ vô thường đến, mạng sống hấp hối sắp chấm dứt, họ bực tức uất hận phấn đấu với tử thần, vật lộn với thân xác mê mệt rã rời, tâm thức hổn loạn với hy vọng để được sống thêm. Cây mầm, cây trẻ, cây già. Lá non, lá xanh, lá già, lá héo, lá khô. Hoa nở, hoa úa, hoa tàn. Tất cả đều từ đất (địa) sanh trưởng, và cuối cùng trở về lòng đất.

Người sanh, nguời trẻ, người già, người chết. Vợ con, nhà cửa, bạc tiền, danhh vọng, quyền uy, tất cả đều do tâm tạo. Tâm địa đã tạo ra con người và vạn vật. Vậy con người và vạn vật là bóng hình của tâm. Không có gì ngoài tâm địa mà có thể sanh khởi và tồn tại được. Tại sao chúng ta nhận bóng hình làm chân thật, đắm mê trong đó, rồi khổ vui theo sự mất còn tốt xấu của bóng hình giả ảo? Chẳng khác nào nhà họa sĩ vẽ ra bức họa, người thợ gốm làm ra đồ sứ, nay bức họa cũ rách, đồ sứ nứt bể, lại quay ra tiếc nuối những thứ giả tạm đó rồi sanh luyến tiếc khổ đau. Sao không nắm lấy cái cán, không tìm giữ cái gốc, không sống với chính tâm địa của mình?

Tâm giống như đất. Ðất ruộng không gieo trồng lúa mọc hoa lá cây trái, bỏ trống thì cỏ dại cây gai sẽ mọc đầy. Cũng vậy, tâm không niệm Phật tu hành lành thiện thì cỏ phiền não tham sân si ích kỷ dục vọng sẽ mọc đầy trong khoảnh vườn tâm. Nên cổ nhân gọi tâm là tâm địa hay tâm điền là ý nghĩa này đây.

Chúng sanh đau khổ, vì chụp bắt bóng hình, mà không chịu hồi quang phản chiếu sống với tâm địa của mình. Chư Phật, Bồ Tát an vui, vì biết sống với tâm địa của chính mình, mà không mê chấp bóng hình giả tạm của thế gian. Phật được giác ngộ giải thoát, là do biết xoay vọng thức về chơn tâm, thực sống với tâm. Còn chúng sanh thì mê khổ trầm luân, vì tham đắm bóng hình do tâm thức mình tạo ra.

Kinh Phật dạy:

“Nhất thiết duy tâm tạo”.
*****
“Tâm địa nhược thông, huệ nhựt tự chiếu”.