tam đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(三諦) Chỉ cho Không đế, Giả đế và Trung đế là chân lí của thực tướng các pháp theo thuyết của tông Thiên thai. Cách chia Tam đế này có xuất xứ từ phẩm Hiền thánh học quán trong kinh Anh lạc bản nghiêp quyển thượng và phẩm Nhị đế trong kinh Nhân vương bát nhã quyển thượng. TrongPháp hoa huyền nghĩa quyển 1, thượng, 2 hạ và Ma ha chỉ quán quyển 1, hạ, 3 thượng, 5 thượng… ngài Trí khải nói về Tam đế như sau: 1. Không đế(cũng gọi Chân đế, Vô đế): Các pháp vốn không, chúng sinh không rõ, chấp đó là thực nên sinh ra vọng kiến. Nếu dùng Không quán để đối trị thì tính chấp tự diệt, liền lìa các tướng, tỏ ngộ lí chân không. 2. Giả đế(cũng gọi Tục đế, Hữu đế): Các pháp tuy vốn không nhưng khi nhân duyên hội tụ thì hiện ra có rõ ràng; ở trong chỗ không ấy mà giả lập tất cả pháp, cho nên gọi là Giả đế. 3. Trung đế(cũng gọi Trung đạo đệ nhất nghĩa đế): Dùng Trung quán mà quán xét thì các pháp xưa nay chẳng lìa 2 bên, chẳng là 2 bên, chẳng phải chân chẳng phải tục, là Chân là Tục, thanh tịnh rỗng suốt, viên dung vô ngại, cho nên gọi là Trung đế. Tam đế tuy là luận thuyết của Biệt giáo và Viên giáo trong 4 giáo Hóa pháp, nhưng Tam đế của Biệt giáo có nhiều cách gọi, như Cách lịch Tam đế, Lịch biệt tam đế, Thứ đệ tam đế, Bất dung tam đế, Biệt tướng tam đế, Lị dĩ tam đế… Tức Tam đế mỗi đế là 1 chân lí độc lập, trong đó, Không đế và Giả đế là nói về hiện tượng, còn Trung đế là bàn về bản thế, cho nên Không đế và Giả đế thì kém hơn, còn Trung đế là thù thắng nhất. Đối lại, Tam đế của Viên giáo cũng có nhiều tên gọi, như Viên dung tam đế (cũng gọi Tam đế viên dung), Nhất cảnh tam đế, Bất thứ đệ tam đế, Phi tung phi hoành tam đế, Bất tư nghị tam đế… Tuy nhiên, Tam đế này chẳng phải hoàn toàn cô lập mà là dung nhập lẫn nhau, hình thành Tam đế Tức không, Tức giả, Tức trung. Pháp tu quán xét về chân lí của Tam đế này gọi là Tam đế viên dung quán của Viên giáo, chủ trương trong 1 niệm của chúng sinh có đầy đủ Tam đế viên dung, gọi là Nhất tâm tam quán. Tông Thiên thai lại y cứ vào 5 giai đoạn tu hành khác nhau là Biệt nhập Thông, Viên nhập Thông, Biệt giáo, Viên nhập Biệt và Viên giáo mà cứu xét về sự sâu cạn của Tam đế, đó là: 1. Biệt nhập Thông(cũng gọi Biệt tiếp Thông): Chỉ cho hàng Thông giáo tiếp vào căn cơ của Biệt giáo. Những người này nghe nói chẳng phải hữu lậu chẳng phải vô lậu, bèn cho hữulậu là Tục đế, vô lậu là Chân đế và chẳng phải hữu lậu chẳng phải vô lậu là Trung đạo. Cho nên biết rằng cái mà những người Thông giáo tiếp vào căn cơ Biệt giáo gọi là Trung đạo là do họ lãnh ngộ Trung đế từ Chân đế và Tục đế do Thông giáo chủ trương, đây chính là Đãn trung, chỉ có ý nghĩa Song phi chứ không có ý nghĩa Song chiếu. 2. Viên nhập Thông(cũng gọi Viên tiếp Thông): Tức hàng Thông giáo được tiếp vào căn cơ Viên giáo. Chân đế và Tục đế mà những người này hiểu cũng không khác với hàng Biệt nhập Thông, nhưng khi họ nghe nói chẳng phải hữu lậu chẳng phải vô lậu, thì có đủ cả ý nghĩa Song phi và Song chiếu, cho nên biết Trung đạo mà những người này lãnh ngộ khác hẳn với Trung đạo do những người Biệt nhập Thông lãnh ngộ, đây là Trung đạo Bất đãn trung. 3. Biệt giáo: Những người này cho hữu là Giả đế, Không là Chân đế, Phi hữu phi không là Trung đạo, cho nên biết cái mà những người này gọi là Trung đạo cũng là Đãn trung. 4. Viên nhập Biệt(cũng gọi Viên tiếp Biệt): Tức hàng Biệt giáo được tiếp vào căn cơ Viên giáo. Chân đế và Tục đế mà những người này hiểu cũng không khác với 3 hạng người nói trước đó, nhưng Trung đạo mà họ lãnh ngộ là Bất đãn trung đầy đủ tất cả Phật pháp. 5. Viên giáo: Những người này không chỉ hiểu rõ Trung đạo đầy đủ tất cả Phật pháp, mà còn hiểu rõ Chân đế và Tục đế do họ lãnh ngộ cũng đều đầy đủ Phật pháp, 3 đế viên dung, 1 tức 3, 3 tức 1; họ là những người thù thắng nhất trong 5 hạng người nói trên. Ngoài ra, chân lí của Tam đế, nếu phải thích ứng với tâm(tình)của phàm phu mà đặt ra cách nói thì gọi là Tùy tình thuyết. Nếu đối với hàng Bồ tát từ Thập tín trở lên, nói Không đế, Giả đế là tình, nói Trung đế là ngộ trí thì gọi là Tùy tình trí thuyết. Nếu đối với hàng Bồ tát từ Thập trụ trở lên, nói Bất tư nghị tam đế do chân trí chiếu rọi thì gọi là Tùy trí thuyết. [X. Kim quang minh kinh văn cú Q.2, 4, 5; Quán âm huyền nghĩa Q.4; Ma ha chỉ quán Q.7, thượng]. (xt. Nhất Tâm Tam Quán).