TAM ĐÀN TRUYỀN GIỚI CHÁNH PHẠM

Núi Bảo Hoa đất Kim Lăng Ti luật sa môn Độc Thể soạn.

QUYỂN HAI

ĐÀN THỨ 2 NGHI THỈNH GIỚI SÁM HỐI

TRƯỚC KHI THỌ GIỚI TỲ KHEO,

1. NGHI TẬP CHÚNG:

Quyết Định Luận chép: “Giới Tỳ Kheo nghĩa nhiếp cả 4 phần.

Thọ cụ

Tùy cụ túc

Hộ tha tâm cụ túc

Cụ túc thủ trì.

Nói hộ tha tâm cụ túc nghĩa là: Tỳ kheo có một phần oai nghi cụ túc, hay giữ gìn làm tăng trưởng lòng tin thanh tịnh của người khác, hay khiến cho họ hân hoan kính ngưỡng trở về Phật pháp. Người làm Thích tử mà oai nghi không đầy đủ thì sự động tĩnh trái với phòng chế, ra vào chuốc lấy sự chê gièm.

Bộ Truy Môn Cảnh Huấn chép: “Thế Tôn thâm đạt sâu sa căn cơ của vạn vật ở thế gian, cho nên phàm làm việc gì nhất định phải lấy oai nghi làm chủ. Bởi do lòng từ bi rộng lớn của Phật, điều ngự chúng sanh. Bên trong thì làm khuôn phép cho Tăng đồ, bên ngoài thì lợi ích đàn việc hộ trì. Nghĩ nay đời mạt, cách Phật lại xa, hẳn cũng toàn nhờ vào luật nghi mà kiến lập Tam Bảo.” Thế nên Sa Di tuổi đủ, thật là bậc trượng phu, mà trước khi đăng đàn thọ cụ, nên tập nghi chánh lễ.

Nếu Sa di viên cụ nhiều, nên dùng thẻ để biên tên, chọn ba người làm một đàn. Một thẻ nêu ra ba đàn, trong đó chọn ra một người trưởng nhóm,  hướng dẫn tám người khác. Nếu người tiến cụ ít thì lấy ngay đàn kế làm chuẩn không cần phải biên thẻ. Trước khi tiến cụ ba ngày, sư dẫn lễ bảo tịnh nhơn quét rưới pháp đường. Ở giữa trải một tòa, đến thời đánh kiền chùy tập hợp những người thọ cụ xếp hàng xong, hai vị dẫn lễ đem năm người đến thỉnh giáo thọ sư, sư nhận lời thỉnh đi ra khỏi liêu, thị giả sau khi dâng thẻ xong, vào trong luật đường hầu sư đến tòa, thị giả để thẻ lên bàn.

Dẫn lễ bảo:

Thượng hương, trở về chỗ cũ, cùng nhau hướng về phía trước xếp hàng, trải tọa cụ, nghe tiếng khánh lạy ba lạy, vén y, lạy xong quỳ gối chắp tay.

Sư chấn xích khai thị:

Nầy các Sa Di! Các vị  nay muốn tiến cụ để dự vào trong số Tam Bảo, nên biết trong bốn nghĩa cụ túc có một phần oai nghi cụ túc giới. Oai có nghĩa là thanh nghiêm đáng sợ. Nghi nghĩa là hình nghi đáng làm khuôn phép. Bởi do Tăng Bảo tôn quí, trách nhiệm chẳng phải thường, nghiêm tịnh Tỳ Ni, trụ trì chánh pháp. Hay trừ đói khát, làm phước điền cho đời sau, dẫn dắt chúng sanh đến diệu quả Niết Bàn. Khiến cho kẻ thấy người nghe đều kính ngưỡng, làm tăng thêm lòng tin.

Như Ngài Mã Thắng ung dung hành đạo, cảm hóa được Thái Thúc đem lòng tin mà mến mộ đời sống xuất gia.

Ngài Thu Tử an tường khất thực, mà nhiếp phục ngoại đạo cải tà về chánh. Xưa nay oai nghi sa môn, nhiếp vật lợi sanh, cố nhiên là khó mà tính kể. Đại để là ba ngàn tám muôn tế hạnh. Không ra khỏi bốn oai nghi đi đứng ngồi nằm, trong ấy tất cả đều có phương tiện, khéo hộ lòng tịnh tín của người, mà trở thành đạo nghiệp của mình, cho nên nay tôn phụng từ mệnh của Hòa Thượng, trước hết là vì các vị tập tành oai nghi  3 ngày. Kế đến mới xin giới sám hối, đăng đàn trao nhận, hầu đến lúc lâm đàn có phép tắc oai nghi. Các vị có người đã từ lâu tham học trong chốn tòng lâm, thân cận thiện tri thức, khí chất nhất định đã biến hóa, cử chỉ tự hợp với khuôn phép. Giả như vừa vào Già lam, chưa từng gạn lọc, tính tình nào được tiêu trừ, động tĩnh ắc trái với khuôn phép. Cho nên vàng mà chẳng trãi qua rèn đúc, cuối cùng vẫn là mỏ quặng tạp; ngọc nhất định phải dũa mài, mới thành đồ tốt. Nay đem danh mục của các vị, biên theo thứ lớp để tiện tập sự oai nghi, còn việc biên số thẻ, chọn 3 người làm 1 đàn thọ cụ. Cứ 1 thẻ là sắp thành 3 đàn. Ở trong mỗi một thẻ phải sai một người làm trưởng nhóm, thống lãnh cả 8 người kia, như thế 9 người cùng nhau khiêm cung tuần tự lễ pháp, ra và vào nhất quán. Hễ có những oai nghi nào không rõ, đều nhờ các vị dẫn lễ sư từ bi chỉ bày kỷ càng, chớ sợ lao khổ.

Nhà Nho nói: “Không giữ hạnh nhỏ cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến đức lớn”. Huống chi là người đệ tử Phật mà không thận trọng ư?

Vỗ xích 1 tiếng

Như vậy các vị có thể y giáo phụng hành không?

Mọi người đều đáp:

Y giáo phụng hành

Sư nói:

– Đã có thể y giáo phụng hành thì đáng gọi là như pháp. Hòa thượng lại ở trong sám hối đường, sai các vị đại đức, 1 vị kiểm nghiệm thẻ, 1 vị phát  thẻ, 1 vị thư ký, vài vị đi tuần tra xem xét.

– Vị kiểm nghiệm thẻ ở trong lúc phát lồ, nếu có bạch y ngoại  đạo lẫn lộn vào trộm nghe thì ngăn lại. Cho nên thỉnh sư mỗ… làm công việc kiểm nghiệm thẻ cho các vị, nhằm để khiến tinh tấn.

– Còn vị phát thẻ, trong lúc phát lồ rồi, sợ có kẻ gian nịnh bất tiếu trộm rình nghe tội của người khác. Cho nên thỉnh sư mỗ… phát thẻ, căn cứ theo tên mà đưa ra.

– Còn vị Thư ký, trong lúc phát lồ, vẫn sợ tội danh giống nhau, phần nhiều ở trong sự nhầm lẫn. Cho nên thỉnh thư ký sư mỗ… Đăng ký danh mục, để không đến nỗi qua loa.

– Còn những vị tuần tra xem xét, do trong sám hối cần phải nghiêm túc, vì sợ lòng người dễ dàng sẽ rơi vào trường hợp lười biếng, lại có người mê mờ ban đêm yên tĩnh tự mình lén ngủ nghỉ, tụ tập ngồi bàn chuyện tạp. Cho nên thỉnh các vị sư mỗ… kiểm soát sách tấn, chớ để hôn trầm tán loạn.

Sai các vị sư như thế, đều có công giúp đỡ để thành tựu, vậy các vị nên cung kính, chớ được ngã mạn xem thường, mà cô phụ lời dạy bảo.

Dẫn lễ bảo:

– Các Sa Di lạy 1 lạy xong, thâu tọa cụ đứng dậy. Phân ban, đứng theo thứ tự 2 bên.

Theo thứ lớp chia thẻ xong, người nghinh thỉnh đưa sư về liêu, sau đó  trở về chỗ phát thẻ, lạy 1 lạy tạ các vị dẫn lễ. Dẫn lễ lại bảo Sa Di, thỉnh thầy Giáo Thọ và các giới sư đến giới đường, lạy 3 lạy. Đợi các giới sư về liêu xong. Dẫn lễ sư hướng dẫn các Sa Di ai nấy đều trở về chỗ của mình,  sau đó dẫn lễ đem Đàn bảng viên cụ niêm yết để mọi người được rõ. Khiến cho người người đều biết đàn số thọ cụ, không đến nỗi phải làm rối loạn thứ lớp trước sau của việc thọ giới.

2. THỈNH GIỚI SƯ KHAI ĐẠO

Bộ Tát Bà Đa luận chép: “Nếu phát ít phẩm tâm, thọ ít phẩm giới, nếu phát trung phẩm tâm thì thọ trung phẩm giới, nếu phát thượng phẩm tâm thì thọ thượng phẩm giới”.

Cho nên mới biết, giới thể vốn là một, vốn không có hơn kém, do tâm duyên cảm bèn có sai khác. Nếu đợi đăng đàn tác pháp, mới dạy phát thương phẩm tâm, để được thượng phẩm giới, thì họ mờ mịt không biết gì, và không biết đâu là tâm thượng phẩm. Ví như tiếng sấm sét phát ra ở trên đỉnh Kỳ Phong, mưa cam lộ dứt hẳn ở đất Lưu Kim, thì thật là khó hiểu, rõ ràng không chấp nhận.

Thế nên, nay trong khi chưa thọ giới, phải khải bạch Hòa thượng khai đạo trước, khiến  cho giới tử  khi lâm đàn tỉnh táo, tâm thượng phẩm phát sanh, thể cụ tròn đầy, thì ai mà chẳng đắc giới thù thắng.

Đối với việc thỉnh giới sáng sớm phải làm sạch pháp đường, trải pháp tòa, đến thời đánh kiền chùy, vân tập chúng thọ cụ Sa Di. Trong nhóm bốn vị có thẻ đầu tiên, thỉnh các vị dẫn lễ đến giới đường xong. Các Sa Di hướng đến chư vị dẫn lễ lạy 3 lạy, sau đó đứng dậy. Vị đứng đầu chắp tay bạch rằng:

Chúng con Sa Di mỗ giáp… một đời ngu muội không biết khuôn phép luật tạng chỉ dạy. Nay nương nhờ thầy hay hướng dẫn mới biết sơ lược về oai nghi của Tăng hạnh, dứt trừ sự huân tập tâm dục lạc, mong được tha thiết trì niệm. Cho nên nay thành khẩn cầu chư giới sư. Lại vì chúng con mà khải bạch hòa thượng.

(Tác bạch như thế rồi lại chắp tay vấn tấn).

Dẫn lễ nói:

Xem ra ý tiến cụ của các vị vốn rất là chơn thành, lời cầu khẩn tha thiết. Lòng tin như thế thì sở nguyện nhất định sẽ thành tựu.

Người dẫn đầu trong chúng ra ban, trong chín người chọn một người cầm hương, theo tôi đến phương trượng lễ thỉnh Hòa thượng, số còn lại đều đứng yên sửa sang oai nghi tề chỉnh, đợi nghe dạy bảo.

Đến phương trượng làm lễ như thường, Hòa thượng nhận lời thỉnh đến giới đường thăng tòa. Người nghinh thỉnh đều về nhóm của mình. Bốn vị dẫn lễ hướng đến tòa trải tọa cụ lạy 3 lạy, quì gối chắp tay, trước thông bạch rằng:

Ngưỡng bạch hòa Thượng, đại đức lắng nghe, những Sa Di mỗ giáp… nầy oai nghi chưa am hiểu, chí thành cần cầu thọ cụ, mong dự vào hàng Tăng, muốn lên bậc Thánh cho nên nay trước đến tòa đảnh lễ khải bạch. Cúi mong hòa thượng chứng biết, hứa khả được không, giả như căn cơ có thể cứu vớt, xin mở lòng lòng thương, trước hết khai đạo cho các giới tử.

Bạch như thế xong, lạy 3 lạy, thâu tọa cụ, đứng dậy phân lập 2 bên.  Bảo các giới tử rằng:

Dâng hương, trở về chỗ cũ, các Sa Di cùng nhau hướng về phía trước xếp hàng, trải tọa cụ.

Nghe tiếng khánh lạy 3 lạy, vén y, lạy xong quì gối chắp tay. Lời cầu xin thọ giới các vị nên phải tự bạch.

Vị dẫn đầu bạch rõ rằng:

Thân người khó được, trung quốc khó sanh, Phật đạo khó gặp, giới pháp khó thọ, chúng con mỗ giáp… may gặp đại Hòa Thượng dựng tràng quanh minh, giăng lưới tịnh phạm, tiếp dẫn hàng phàm phu, nhiếp về Tăng Bảo, nguyện ban cho chúng con đại giới cụ túc, như luật hành trì, thành đạo lợi sanh, để báo ân đức.

Bạch xong các Sa Di đều cúi đầu, chắp tay chí thành lắng nghe.

Hoà thượng vỗ xích nói:

Phàm đem châu như ý thả vào trong biển, thì từ cạn mà đến sâu; vâng thọ cụ giới cụ túc mà đăng đàn, phải  từ tiểu tiến đến đại, giới báu chẳng thể nhảy lớp mà cầu được, Phật dạy nhất định tương ứng mới trao cho. Chưa có trường hợp người không trải qua hạnh nghiệp Sa Di, mà tiến thẳng đến địa vị của đại Tăng. Nay các vị đã giữ gìn học xứ Sa Di, lại có thể cầu thọ luật nghi của Tỳ Kheo, thì giai cấp không có vượt qua, lý họp càng thêm tu sửa, huống hồ cầu khẩn kiền thành. Tôi dâu có xẻn tiếc mà không trao cho, nhưng đại giới cụ túc này tôn trọng, chỗ nhậm trì chẳng phải là nhẹ. Vì giới nầy là nguồn cội để cho chánh pháp được cửu trụ, là mạng mạch để cho Tăng già xương thạnh. Nếu như không có giới cụ túc, thì Tăng luân không lấy đâu để chuộng lập. Nếu chẳng có Tăng Bảo thì Phật pháp lấy gì để hoằng thông. Cho nên ở trong chúng trời người ma phạm, ngoại đạo Bà La Môn, Tỳ Kheo Tăng là bậc thứ nhất. Cho nên muốn tròn đầy cụ giới, nếu phi xứ thì không trao cho, nhất định có chỗ để bạch nhị Yết Ma kết giới.

Cho nên luật dạy: Nơi nào chẳng Yết Ma thì không được ở trong đó thọ dục, thực hành việc Tăng sự. Xứ đã như pháp, thì ở trong đó mà kiến lập đàn giới, số thập sư nhất định phải đầy đủ, chọn thỉnh tinh nghiêm như pháp.

Cho nên luật luận chép: “Hòa Thượng và hai A Xà Lê đều phải như pháp, bảy vị Tăng làm chứng đều thanh tịnh hiểu rõ luật. Nếu không có hòa thượng hoặc không đủ 10 vị Tăng, thì đều không thành tựu”. Sư Tăng tuy là như thế, nhưng về bản thân các vị phải không có không có già nạn.

Cho nên luật chép: “Thân tướng không đủ, cho đến hạng người có trăm điều ngăn, và tự phá tịnh hạnh, làm dơ phạm hạnh người, đều không được thọ cụ túc”.

Các vị đạo khí đã đủ, nay chính là lúc vì các vị mà tuyên bạch, nhưng lúc bạch tứ Thánh giáo phát thể, văn cú phải không được thêm bớt sai sót. Tác bạch yết Ma đều vâng theo luật dạy, đây mới có thể không rơi vào phi pháp.  Ngoại duyên tuy có thành tựu, nhưng tâm cầu giới của các vị lại có chia ra ba phẩm, tức là Thượng Trung hạ vậy, tùy theo tâm phát nguyện thì theo sự cảm ứng của giới thuộc về bậc thượng, trung hay hạ. Nhưng do giới cụ túc có chia ra: Giới pháp, giới thể, giới hạnh, giới tướng cùng với giới Sa Di thọ trì trước kia. Thật là gấp trăm ngàn lần không thể so sánh. Nếu không biết ý nghĩa sâu xa như thế, thì tuy nói rằng đăng đàn trao nhận, nhưng khi nhận rồi  lại đồng với chưa nhận. Hình dạng giống Tăng nhưng chưa phải thật Tăng, cùng chúng Tăng ở chung, gọi là Tỳ kheo dê câm. Cùng làm pháp sự với Tăng, gọi là bọn Ma Hòa La.

Nếu muốn nối tiếp làm hưng thạnh ngôi Tam bảo, lợi ích quần sanh  thì công đức này do đâu mà thành tựu? Cho nên ta lúc trước khi đăng đàn, khai đạo rõ ràng  khiến cho các vị đang lúc thọ giới hiểu rõ không mê mờ. Còn nói tâm thượng phẩm thọ giới thượng phẩm, tức là các vị sớm ngày mai lên đàn, phát sức tin kiên cố, khắp ở trong tất cả pháp giới hữu tình vô tình, mở rộng lòng từ cứu hộ, trừ khử tâm niệm bất thiện tổn hại, thề đoạn trừ tất cả ác, thề tu tất cả thiện, thề độ tất cả chúng sanh. Đó là không sợ hãi không lui sụt, chí nguyện bền chắc sâu xa, đây gọi là phát tâm thượng phẩm, thọ thượng phẩm giới, thật là nói đến bên trong thì ẩn hiện Bồ Tát, bên ngoài thì hiện Thanh văn, hay trụ trong chánh pháp, kiến lập Tăng luân, dù có lòng từ hộ nhưng hộ không khắp, cũng duyên theo cảnh pháp giới mà duyên không khắp, ở trong việc độ sanh có sự sợ hãi, chí nguyện như thể kiên định sâu xa, gọi là tâm trung phẩm hạ phẩm.

Tâm nếu nhỏ hẹp chẳng thù thắng, nên giới nhận được chỉ là ở trung phẩm và hạ phẩm, giới này chỉ có thể tự lợi chỉ ở trong thảo am, kém khuyết về phần lợi tha, thế thì làm sao có thể tiếp nối hạt được gióng Phật. Cho  nên hôm nay muốn cho các vị phát tâm thượng phẩm, thọ giới thượng phẩm, chứ không muốn các vị khởi tâm thấp kém mà thọ giới trung hạ phẩm vậy.

Nói giới pháp, tức là Thế Tôn thành đạo 12 năm, quán xét thấy có nhân duyên hữu lậu sanh khởi,  vì để các Tỳ Kheo vô sự ngăn ngừa ba độc điều phục thất chi, nên kim khẩu Đức Phật chế ra 250 tịnh giới, 184 loại Yết ma, cho đến 3 ngàn 8 vạn vô lượng luật nghi vậy.

Nói giới thể  tức là đến ngày mai trước tòa thập sư, đang lúc bẩm Bạch yết Ma, các vị dùng sức tư nghiệp tâm thượng phẩm. Vận tưởng pháp giới, biến khắp tất cả trần cảnh, nhưng cảnh từ nơi tâm mà hiện. Nhưng cảnh sở hiện chẳng có biểu sắc, tức là thể của pháp giới tất cả trần cảnh, cũng tức là cái nhân để đắc giới. Nếu chưa duyên tưởng lãnh thọ trở về trước, thì cái thể của trần cảnh này đối với nơi các vị không có sự ràng buộc; nhưng sau khi đã phát tâm duyên tưởng lãnh thọ trở về sau, thì cái thể pháp giới trần cảnh này, thường lưu trú vào tự tâm các vị. Niệm niệm không quên, thời thời giữ gìn, thế nên giới là năng y, tâm là sở y, tâm pháp hòa hợp, gọi là giới thể, ví như dụ liều thuốc, có thể suy  ra mà biết.

Nói giới hạnh tức là nương vào giới thể đã thọ, trong mọi thời khắc mỗi ngày, hoặc đọc tụng, hoặc an thiền, hoặc công phu lễ sám pháp, hoặc tu trì  tịnh nghiệp cho đến đắp y thọ thực… đều không trái vượt Tỳ Ni. Cho nên nói tất cả hạnh nghiệp gọi chung là giới hạnh. Chẳng thể ngoài tất cả hạnh nghiệp mà riêng có giới hạnh, hạnh nghiệp xuất thế đều lấy tịnh giới  làm căn bổn.

Nói giới tướng tức là 250 giới cụ túc mà Phật đã chế ra, 184 loại yết ma, ở trong mỗi pháp Yết ma nhiếp luôn cả 2 duyên thành và hoại, đây tức là pháp tướng, trong 4 oai nghi hằng ngày, những việc làm đúng thời và phi thời tức là hành tướng. Pháp nhân nơi sự mà chế, còn sự thì nương theo pháp mà thành.

Tất cả những thiện nghiệp đúng như pháp, đáng làm mà không làm đây gọi là chỉ phạm, còn đáng làm mà làm đây gọi là tác trì.

Tất cả những ác nghiệp phi pháp, không đáng làm mà làm đây gọi là tác phạm, còn không đáng làm mà không làm đây gọi là chỉ trì.

Nếu chẳng biết chỉ phạm tác trì, chỉ trì tác phạm thì phép khai giá trở nên mờ tối, thành hoại mù tịt. Thế nên luật chế:  “Tỳ Kheo, năm hạ về trước chuyên tinh giới luật, năm hạ về sau, mới cho nghe giáo tham thiền”. Bởi vì khiến cho biết được tướng ấy mới giữ gìn giới thể, hầu mong phát sanh định huệ, đạo nghiệp xuất thế mới có chỗ căn cứ. Nếu các vị hiểu mà tin được như thế, thọ trì như thế, hầu họp với thánh đức, mới thật là người xuất gia gìn giữ giới pháp.

Cho nên kinh Thủ Lăng Nghiêm chép: “Đem tâm ý sâu xa này phụng thờ Chư Phật như cõi nước vi trần, thế mới gọi là báo ân đức Phật”.

Vậy các vị có thể y giáo phụng hành không?

Đáp y giáo phụng hành.

Hòa thượng nói:

Đã y giáo phụng hành thì đêm nay thỉnh Yết Ma A Xà Lê, trước xét 10 chi cấm giới Sa Di của các vị. Nếu giữ gìn không ô nhiễm thì đáng gọi là đạo khí chơn tịnh, ít có chỗ trái phạm, vẫn là tạp uế thân tâm. Cần phải nghiêm khắc quở trách, y theo luật mà sám hối, lại có 13 trọng nạn, 16 tội khinh giá, trong lúc lâm đàn, mới sai giáo thọ sư, ở chổ khuất hỏi riêng. Đến lúc bẩm Bạch Yết Ma ở trước  chúng Tăng phải nghiêm khắc hỏi lại:

Tôi nay nhờ các vị đại đức dẫn lễ đem các vị đến liêu 2 thầy, để khải bạch cho biết những việc  về khai đạo khi thọ cụ, đợi lúc tác pháp thẩm sám hối, nếu quả như không có phạm trọng, không hủy phạm giới căn bản, thì mới được tập họp đại Tăng cùng ở trong một cương giới, ở trong đại chúng ấy cung thỉnh thập sư đăng đàn trao cho các vị đại Tỳ Kheo giới. Các vị đại đức dẫn lễ  như điều tôi đã nói, liền phải phụng hành.

Các vị dẫn lễ cung kính chắp tay đáp:

Xin vâng theo lời Hòa thương dạy.

Bốn vị dẫn lễ xoay mình về phía trước, trải tọa cụ lạy 3 lạy, vẫn phân ra hai bên phải trái bảo rằng:

Các Sa Di đứng dậy, nghe tiếng khánh lễ tạ 3 lạy, vén y, lạy xong cầm tọa cụ lên phân ban, người nghinh thỉnh đưa Hòa thượng về phương trượng.

Như thường lệ đưa Hòa thượng trở về phương trượng xong, lại trở về pháp đường, các Sa Di đồng lễ tạ các vị dẫn lễ 3 lạy. Lạy xong đứng dậy phân ra 2 bên.

3. THÔNG BẠCH 2 THẦY

Phàm muốn thọ đại giới cụ túc, cần phải Tam sư hòa họp, một giới lục hòa, luật pháp tương ưng mới có thể trao nhận, nay các Sa Di tuy thỉnh hoà thượng khai đạo, sám hối giáo giới, trách nhiệm là ở 2 thầy, cho nên lại bảo lễ bái thông tri.

Khi thông bạch 2 thầy tức là việc thỉnh giới đã xong, thầy dẫn lễ sai Sa Di đi chỗ khác, pháp tòa vẫn theo thứ tự mà đứng, một dẫn lễ đem 2 Sa Di, trước thỉnh thầy Yết Ma đến giới đường, dẫn lễ hướng đến sư lạy một lạy đứng dậy xong, bảo các Sa Di trải tọa cụ, lạy 3 lạy, quì xuống chắp tay, dẫn lễ chắp tay bạch thay cho đại chúng rằng.

Những Sa Di mỗ giáp… nầy đã xin Hòa thượng để được thọ cụ giới, Hòa thượng đã từ bi hứa khả, trước hết xin khai đạo, nhưng chưa biết sự bổn giới cần sách (Sa Di), phụng trì như thế nào. Cho nên Hòa thượng sai con mỗ giáp… đây, dẫn các Sa Di, trước hết là bạch Yết Ma A Xà Lê sư, ngay  trong đêm nay trải tòa cung thỉnh, mong Ngài quang lâm giới đường như luật mà tác pháp, cúi xin thương xót.

Dẫn lễ bạch xong, Sa Di lạy 1 lạy.

Yết Ma Sư nói:

Lành thay các Sa Di,  tôi sẽ vì các vị đến giới đường để tác Pháp. Mọi người nên tỉnh tâm suy xét, nghĩ kỷ việc trì phạm, đến thời vân tập, như thật mà sám hối.

Chúng đáp rằng:

Y giáo phụng hành

Dẫn lễ bảo các Sa Di, lạy 3 lạy rồi thâu tọa cụ. Trước hết là người thỉnh đưa Sư về liêu. Lại dẫn 2 Sa Di thỉnh Giáo Thọ sư đến giới đường, phương pháp đảnh lễ cũng như trên. Sau đó quì gối chắp tay dẫn lễ thay lời bạch rằng.

Các Sa Di mỗ giáp… nầy, vừa rồi đã đảnh lễ Hòa Thượng khải thỉnh để được tiến cụ, mong nhờ thương xót, như luật khai đạo, đã thỉnh Yết Ma Sư  đêm nay sám hối, nhưng e rằng oai nghi thiếu kém không hợp pháp duyên. Cho nên lại sai con mỗ giáp… hướng dẫn các Sa Di, thông bạch Giáo Thọ A Xà Lê, cúi mong nhắc nhở lại những điều chưa am tường, xin dùng từ tâm thương xót.

Dẫn lễ bạch rồi Sa Di lạy 1 lạy.

Giáo thọ sư nói:

Lành thay các Sa Di, như Thầy dẫn thỉnh thay lời các vị nói, thật vô cùng may mắn, lại mong giáo giới oai nghi, lòng thành diễn tập như Pháp xong, còn những luật nghi phép tắc của bậc đại Tỳ Kheo, đợi sau khi thọ cận viên xong, mới có thể răn dạy một cách cẩn thận.

Chúng đáp:

Y giáo phụng hành.

Làm lễ như trước và đưa sư về liêu, lại trở về pháp đường lễ tạ các vị dẫn lễ. Kế đến cứ theo thứ lớp trở về bổn đường.

4. DẠY VỀ Y BÁT

Đàn đầu thọ giới Sa Di, trước nghiệm y bát, e rằng trong đó  có người thiếu kém, vai mượn hoặc làm các việc phi pháp… nhất định bảo phải đổi lại để đầy đủ. Nay thì sắp lên đàn báu,  tiến lên cụ giới. Còn các việc hành trì thì giống với đại Tăng, hoặc y bát danh tướng,  hoặc vì không biết sự nghĩa nên chỗ dùng đều sai lầm, luôn luôn phạm phi pháp. Thế cho nên giáo thọ sư trước hết phải chỉ bày khiến cho tất cả đều được thông hiểu, để khi đến ngày đăng đàn, ở chỗ khuất hỏi nạn. Chỉ lược nói đạo cụ, mà khỏi phải tra xét lưu lại.

Trong lúc thông bạch 2 thầy xong, liền sai tịnh nhơn, đến pháp đường đánh kiền chùy, dẫn lễ sư bảo giới tử những Sa Di tiến cụ, tất cả đều mặc y bảy điều, cầm 2 lá y ngũ và y đại. Mang bát, cầm tọa cụ, thứ lớp vào trong giới đường xếp theo từng nhóm, và đem hai lá y đang cầm để ở trên bàn, cứ theo phép thường thỉnh Giáo Thọ sư đến giới đường xong.

Dẫn lễ xướng:

Thượng hương, trở lại chỗ cũ, các Sa Di xếp theo từng nhóm, trải tọa cụ, nghe tiếng khánh đảnh lễ 3 lạy, vén y, lạy xong quì gối chắp tay.

Sa Di mỗ giáp… đây, sắp đăng đàn lãnh thọ giới cụ túc, mà không biết sự nghĩa của y bát, không biết nguyên do  Phật chế ra, thì e rằng khó mà thọ trì cho xuyên suốt. Cho nên nay thỉnh giáo thọ A Xà Lê chỉ bày rõ ràng, khiến như luật mà phụng hành, ngõ hầu hợp với thánh ý.

Dẫn lễ bạch rồi các Sa Di lạy 1 lạy, chắp tay quì lắng nghe.

Giáo thọ sư nói :

(Những điều nầy được chép từ giới đàn thuở xưa).

Nói đến 3 y cắt rọc, tức là từ nơi kim khẩu của Như Lai tuyên nói, một bát thọ trì, chính là món đồ quí nuôi thân. Hoại sắc thì bỏ hẳn y phục thế tục. Đúng lượng thì có khác phép thường ở đời. Người mặc vào thì nhẫn nhục càng tăng, người thọ trì thì công đức đầy đủ. Trị giá nặng bằng bảy món báu trân quí, khó có thể lường, công như núi cao muôn dặm, đâu có thể ngóng trông. Trăm ngàn muôn ức nhơn thiên thảy đều cúi đầu, 96 thứ ngoại đạo đều không biết tên. Chỉ có Thế Tôn ta hiện ra nơi đời, tuyên nói pháp chưa từng có nầy, khiến cho người thấy nghe lợi ích không có bờ mé, người thọ trì thân tâm đều trong sạch. Phàm muốn biết chiều rộng dài của ba y, dung lượng lớn nhỏ của một bát, nếu không khai thị thì chẳng thể rõ nghĩa, không giải nói  thì sao  biết được nguồn cơn. Nay nhân lúc sắp trao đại giới, trước chỉ dạy cho các vị biết về danh tướng của y bát. Các vị cần phải nên biết. (Vỗ xích 1 tiếng).

Các vị ai nấy đều có y 5 điều, cái y nầy tiếng phạn gọi là An Đà Hội, Trung Hoa gọi là y làm việc cũng gọi là Hạ Y, cũng gọi là Tạp Tác Y. Phàm ở trong chùa khi chấp lao phục dịch, ra vào qua lại nên đắp y nầy.

Trên thân các vị đắp y 7 điều, tiếng phạn là Uất Đa La Tăng, Trung Hoa gọi là  Nhập Chúng Y, cũng gọi là Thượng Trước Y. Phàm lễ Phật, bái sám, tụng kinh ngồi thiền, phó trai nghe giảng, an cư tự tứ, cho đến tập Tăng biện sự nên đắp y này.

Trong các vị đây ai nấy đều có đại y, tiếng Phạn gọi là Tăng Già Lê, Trung Hoa gọi là Tạp Toái, nghĩa là cắt rọc để  may thành, điều tướng rất nhiều, phàm vào trong cung vua, lên tòa thuyết pháp, vào trong tụ lạc khất thực, mỗi nửa tháng Bố Tát, hàng phục ngoại đạo nên đắp y này. Tuy nhiên,  y này có nhiều loại bất đồng. Nghĩa là thượng trung hạ đều có 3 phẩm. Cho nên sau đây nói về 3 phẩm hạ của đại y, nghĩa là: hạ hạ phẩm 9 điều, hạ trung phẩm 11 điều, hạ thượng phẩm 13 điều, 3 phẩm đại y này, 2 đường dài 1 đường ngắn, chính là y cắt rọc mà thọ trì.

Còn nói về 3 phẩm trung của đại y, nghĩa là: trung hạ 15 điều, trung trung 17 điều, trung thượng 19 điều, 3 phẩm đại y này, 3 đường dài 1 đường ngắn, chính là y cắt rọc mà thọ trì.

Còn nói về 3 phẩm thượng của đại y, nghĩa là: thượng hạ 21 điều, thượng trung 23 điều, thượng thượng 25 điều, 3 phẩm đại y này, 4 đường dài 1 đường ngắn, là y cắt rọc mà thọ trì. Ba  y này gọi là y ruộng phước.

Trong luật Tăng kỳ chép: “Phật ở thành Vương Xá, kinh hành ở trước Đế Thích thạch quật. Ngài nói với tôn giả A Nan rằng: Cái y của chư Phật đời quá khứ đều tướng như thế. Từ nay nương theo đây mà làm tướng y”.

Bộ Tăng Huy ký chép: “Bờ ruộng giữ nước, làm sanh trưởng lúa mạ, nuôi dưỡng thân mình, tướng y phước điền đượm nhuần nước tứ lợi, tăng trưởng mạ tam thiện, để nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng. Giải thích tên của y, do mặc ở tên gọi là y, y tức là nương tựa. Cho nên y có công dụng ngăn che lạnh nóng. Kinh luật đều gọi là ca sa”.

Bộ Chơn Đế Tạp Ký chép: “Ca sa ngoại quốc Đô ấp gọi là Xá Đa, hoặc gọi là áo ly trần, vì đoạn 6 trần. Có chỗ gọi là trừ bệnh gầy ốm, vì cắt đứt phiền não. Có chỗ gọi là liên hoa phục, vì lìa nhiễm trước. Có chỗ gọi là các sắc lẫn lộn, vì màu sắc đúng như pháp, cho nên gọi là y hoại sắc vậy.

Y nầy có 3 là tại sao? Tại vì tiêu biểu cho 3 nghiệp thanh tịnh. Do có 5 điều để đoạn tham, thuộc về thân nghiệp; có 7 điều để đoạn sân, thuộc về khẩu nghiệp; riêng đại y là để đoạn si, thuộc về ý nghiệp. Còn việc dài nhiều ngắn  ít là tiêu biều cho thánh quả tăng, phàm phu giảm. Nói về dụng là dùng ba màu xanh, đen, vỏ cây mọc lan, tiêu biểu cho 3 thân pháp báo hóa. Còn nói về thể thì dùng cỏ gay thô sơ, không được dùng chất tơ lụa mịn màng, nhằm để tiêu biểu cho lòng từ bi.

Các vị đều có 1 Tọa Cụ vuông vức, nói đến cái Tọa Cụ nầy, tiếng Phạn gọi là Ni Sư Đàn. Trung Hoa dịch là Tùy Tọa Y. Lại nói rằng là Phu Cụ, lại nói là Sấn Túc Y. Tức là như cái tháp mà có nền, các vị nay thân được thọ giới. Tức là cái tháp của 5 phần pháp thân, bởi do 5 phần này nhân giới mà sanh.

Các vị đều có một bát, nói đến cái bát nầy, tiếng Phạn gọi là Bát Đa La. Trung Hoa dịch là Ứng Lượng Khí, nghĩa là thể sắc lượng cả 3 đều như pháp.

Thể thì dùng hai chất liệu đất nung và sắt.

Sắc thì dùng hạt mè, hạnh nhân nghiền nát, rồi đem thoa ở bên trong và ngoài, sau đó lại dùng khói tre để xông, cho sử dụng màu sắc như lông con chim cưu, chim khổng tước. Sở dĩ phải xông ướp là vì mùa hạ đựng thức ăn sẽ không bị thiu, không dính dầu, dơ. Vì có công đức như thế cho nên xông ướp.

Lượng thì bát bậc thượng 1 đấu rưỡi, bát bậc hạ 5 thăng, bát bậc trung thì có thể biết đây chỉ là cái đấu vào thời nhà Cơ nhà Chu. Nếu căn cứ theo cái đấu đời Đường thì bát bậc thượng một đấu, bát bậc hạ 5 thăng, bát bậc trung 7 thăng rưỡi.

Y này bát này là cái chánh duyên để cho các vị thọ giới. Là cái việc giấp để nuôi thân, cần phải tự mình sắm sửa. Nếu là mượn của người hoặc không có thì đều gọi là phi pháp. Căn cứ theo những điều trong luật đã dạy rõ, thì tất cả đều không đắc giới, một đời luống uổng thọ nhận của tín thí, đời sau sẽ bị đọa vào 3 đường, luôn chịu luân hồi không có ngày giải thoát. Các vị  lúc đắp y, nên thanh tịnh thân khẩu ý. Dốc lòng chí thành mà đội nhận, thầm tụng bài kệ chú. Kế đến mở ra đắp, nếu lúc thọ thực, phó trai, nên vững mình ngồi thẳng, mở khăn giở bát, an tường tụng bài kệ. Sau khi đựng vật, tay trái cầm bát, tay phải vịn vành bát, vững mình chánh niệm, cúng dường Tam Bảo chí thành tác quán, thứ lớp mà lấy thức ăn. Chư Tổ từng dạy:

Năm phép quán không trái
Ba muỗng có tiết chế
Theo phép dạy  như trên
Đúng pháp mà thọ dụng,
Nếu ai không tuân hành,
Mang tội lỗi về sau.

Cho nên khuôn phép thọ trì y bát, đợi ngày lâm đàn, khi  tôi đến chỗ khuất để hỏi nạn, y cứ vào bộ Luật Căn Bản có dạy rõ phương pháp thọ trì, các vị từ nay trở đi, phàm muốn chế tạo y bát, nên phải thỉnh vấn minh sư, chế tạo cắt rọc như pháp. Không nên tự ý làm càng trái lời Phật dạy. Nếu y may xong rồi nhất định phải thỉnh 1 vị Tăng biết luật, y theo pháp gia trì, tin nhận đắp mặc. Được vậy mới không luống uổng công phu, nhất định sẽ có nhiều lợi ích, thế mới gọi là Tỳ Kheo Tăng chơn chánh trong thời mạt pháp. Vậy các vị có thể y giáo phụng hành không?

Đáp: Y giáo phụng hành

Dẫn lễ bảo: Các Sa Di đều nên đứng dậy, nghe tiếng khánh lạy 3 lạy, vén y, thâu tọa cụ, phân ban, người nghinh thỉnh đưa sư về liêu.

Nghi thức đưa sư xong, về đến chỗ tác pháp, lễ tạ các vị dẫn lễ sư, sau đó tất cả đều cầm y bát về bổn đường.

5. THẨM GIỚI SÁM HỐI

– Sa Di lúc tiến cụ đã hỏi về 13 trọng nạn, 16 tội khinh giá, nhất định phải ở lúc Thập sư lâm đàn hòa Tăng tác pháp, rồi sai giáo thọ sư đến chỗ khuất hỏi rõ ràng, kế đến gọi vào trong Tăng, Yết Ma sư nhờ chúng thẩm xét lại, việc nầy phải giới hạn trong vòng một buổi, đúng pháp không thì có để cách đêm, 2 lần xét hỏi như thế. Văn của các bộ luật giống nhau.

Phàm một khi đến thọ cụ giới, đều thỉnh sư hỏi trước một đêm, đã không đợi Yết Ma Sư sai, lại chẳng phải ngày chánh thọ cụ. Than ôi! Rất là trái lời Phật dạy. Để lại sự sai lầm như thế, nên nay căn cứ theo nghi xưa của Nam Sơn. Vốn tuân theo Phật chế, chỉ ở cách đêm xét hỏi mười giới Sa Di. Ngày kế tiếp mới đăng đàn sai hỏi về 29 già nạn khinh trọng, xin các bậc hoằng giới, thay đổi thực hành đúng theo nghi thức, để phụng hành lời Phật dạy thì đó là điều may mắn vậy.

Lần tác pháp này, lại nên nghiêm chỉnh, bởi do đại giới cụ túc tôn nghiêm, khó mà dự vào túc số Tăng già. Vả lại, thời nay cách Phật đã xa, pháp nhiều tình tệ. Nếu không nhờ ngoại duyên thù thắng, thì làm sao phát cái nhân tâm thượng phẩm. Thế nên sau khi thỉnh giới xong, dẫn lễ sư, trước sai tịnh nhơn hoặc Sa Di rưới quét pháp đường. Bên trong sắp đặt một cao tòa, dâng cúng hương hoa, dùng tràng phan bảo cái để trang sức, chỗ khuất phía sau chánh tòa là thiết lập bàn thầy thư ký, ở bên ngoài cánh cửa bên trái của giới đường, thiết lập bàn thầy đếm thẻ, ở bên ngoài cánh cửa bên phải của giới đường, thiết lập bàn thầy giao thẻ. Mọi chỗ đều phải treo đèn rực sáng như ban ngày, hương đốt khắp nơi, ngưng đọng kết thành mây lành. Khi việc cúng dường đã được sắp đặt đầy đủ, thì liền đánh kiền chùy tập họp các Sa Di cầu thọ cụ, chiếu theo thẻ và nhóm mà thứ lớp xếp hàng. Dẫn lễ đem 5 người đến thỉnh thầy Yết Ma, người cầm hương đi trước, đến liêu làm lễ, thỉnh sư đến giới đường lễ Phật. Ngồi xuống xong, dâng hương cử tán.

Dẫn lễ bảo: Thượng hương, trở lại chỗ cũ, người nghinh thỉnh ra ban, nghe tiếng khánh lạy 3 lạy. Sau đó trở về nhóm của mình.

Người thọ sai phải tuân theo sự nghiệm xét thẻ của 2 thầy. Sau đó đi ra trước chúng, hướng đến tòa lạy 1 lạy, đứng dậy.

Yết Ma sư nói:

– Cây tràng Tùy Ni, chỉ ở nơi gìn giữ chánh pháp, khai đường sám hối, dùng đây để giúp đỡ các duyên. Nay Sa Di các vị muốn cầu tiến cụ, lý hợp nên pháp lộ sám hối. Vì  ngăn ngừa bạch y  lẫn lộn vào nghe, cho nên thỉnh hai thầy tra xét rõ khi ra lúc vào. Nếu thanh tịnh như pháp thì chúng tôi tác pháp mới thành, nhưng e rằng ngồi lâu mệt nhọc, rất mong hoan hỷ.

Chắp tay đáp:

Xin vâng

Đưa thẻ hai sư kiểm nghiệm xong, hướng về trước chắp tay, vấn tấn xong phân ra 2 bên phải trái. Mỗi vị đi đến bên cánh cửa mà ngồi, kế đến thư ký ra khỏi chúng lạy 1 lạy, đứng dậy.

Yết Ma sư nói rằng:

Cần sách cận viên nên tịnh thân ý, nếu như có phạm lỗi lầm thì luật không cho, còn không có ô nhiễm mới được thọ. Đêm nay nhiều nhóm và đông người.  Về hình thức thì không tương đồng lắm, cho nên thỉnh đại đức xét kỷ nhơn sự để không đến nỗi sai lầm. Để tiện bề trình rõ lên Hòa thượng, xin chớ vì nhiều việc mà chán nản phiền lòng.

Lại chắp tay đáp: Xin vâng

Đáp rồi, hướng về phía trước chắp tay xá chào, sau đó trở về chỗ, các đại đức đi tuần liền hướng đến tòa lạy một lạy rồi đứng dậy.

Yết Ma sư nói:

– Luật dạy nghiêm mật, tâm người dễ giải đãi, cần phải nhờ thắng duyên mới thành tựu nghiệp lành. Nay các Sa Di lúc phát lồ, e rằng mê mờ tán loạn, quên mất sám hối. Cho nên thỉnh các đại đức kiểm nghiẹm tuần tra xem xét, nghiêm túc thực hành nghi bái sám, khiến cho chúng kia 3 nghiệp kiều cần, nhất tâm không lười biếng. Thế mới gọi là hết lòng mình để thành tựu cho người. Xin chớ từ lao nhọc, cả chúng đều chắp tay đáp rằng:

Xin vâng

Đáp rồi, đến trước chắp tay vấn tấn lui ra. Mọi người đều cầm đèn, xem xét nghiêm túc.

Dẫn lễ bảo:

Sa Di các vị phải chí thành, nương theo âm thanh tôi để cùng tụng thần chú Đại Bi. Nhờ vào lời bí mật này và oai thần của đức Phật, hầu làm trong sạch pháp diên, lìa xa ma chướng.

Đại chúng cùng tụng rõ 3 biến xong, cử xướng:

Nam Mô Cam Lộ Vương  Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)

Dẫn lễ bảo:

Sa Di các vị cùng nhau hướng về phía trước sắp hàng, trải tọa cụ, nghe tiếng khánh lạy 3 lạy, vén y, lạy rồi quì gối chắp tay.

Nói về 7 chúng thì Tỳ Kheo là đầu, còn trong 3 tụ của giới thì cụ túc là cao quí hơn hết, thế nên cần phải làm thanh tịnh đạo khí, để thọ nhận chất đề hồ kia, cùng chọn cây tốt để đẽo thành rường cột, dùng cái búa của người thọ giỏi, đục đẽo mà không vượt qua mực thước. Nay tôi vì các vị cung thỉnh mỗ giáp… luật sư làm thẩm xét giới A Xà Lê. Lời thỉnh sư lẽ ra các vị nên tự bạch, nhưng e rằng các vị chưa thực hiện được, nên tôi nay hướng dẫn các vị, mọi người đều nên xưng pháp danh mình, ngoài ra còn những lời khác thì phải nói theo tôi.

Đại đức một lòng nghĩ, con Sa Di mỗ giáp… nay thỉnh đại đức làm thẩm giới sám hối A Xà Lê, cúi xin đại đức vì con làm thẩm giới sám hối A Xà Lê, con nương theo đại đức  được sám hối như thật. Xin thương xót cho chúng con.

Thỉnh 3 lần, lạy 3 lạy.

Yết Ma vỗ xích nói:

– Nói đến giới tịnh thì định huệ sanh, đó chính là cái gốc đạo mà Phật tổ đã tu chướng. Vì mê mờ khởi mà tham ái tràn đầy, đó là cái nhân khổ làm cho hữu tình trôi lăn trong ba cõi. Đây chỉ có bậc trí mới rõ biết quán soi, còn người ngu thì trầm mê chìm đắm. Các vị đã chán khổ bỏ nhà, thọ trì 10 giới Sa Di lại thêm muốn tăng tiến siêng tu, muốn vào hàng ngũ Tỳ Kheo Tăng, như thế thì nào lo gì định huệ không sanh, mà luân hồi không dứt. Nhưng lo là những cấm giới mà các vị thọ trì, có hủy phạm về tánh trọng điều chương, hoặc danh đức Sa Di có thiếu, dù muốn thọ cận viên nhưng e rằng không được.

– Bộ Tát Bà Đa luận chép: “Nếu phá một trong 10 giới trọng của Sa Di, mà muốn thọ cụ túc giới và thiền vô lậu giới, cho đến muốn  tiến xa hơn nữa, thì tất cả đều không được”.

Bởi do giới Sa Di là nền tảng, là cội nguồn của giới giới Tỳ Kheo. Ví như gốc đại thọ được tưới tẩm đầy đủ thì hoa quả mới sum xuê, cũng như đất đai bền chắc thì lầu gác mặc tình xây dựng lên. Chưa có trường hợp không có gốc mà lại có quả, không có đất đai mà xây được lầu gác. Thế nên, tôi nay căn cứ theo sự thỉnh giới của các vị mà tuần tự khai đạo, tôn trọng luật chế. Vậy tôi hỏi các vị, các vị căn cứ theo lời hỏi mà đáp sự thật, không được chuyện có mà nói không, việc trọng nói khinh. Giả như có một tâm niệm nào che dấu thì chỉ là bên trong thì dối lòng mình, bên ngoài thì gạt giới sư, cho đến cuồng vọng dối cả 10 phương Bồ Tát, chư thiên thiện thần. Cuối cùng tội cũ không trừ, tội mới thêm chồng chất. Như thế thì ác đạo không sợ, hỗ thẹn không sanh, thật là đáng thương thay!. Cho nên các vị mỗi người, dùng sức tin quyết định, sanh lòng sợ hãi hỗ thẹn. Nghĩ đến cái khổ nơi ác đạo mà phát tâm Bồ Đề, dốc lòng phát lộ, chân thành tha thiết sám hối. Làm sạch hết cát sỏi trong quặng, thì mới còn thuần vàng ròng, như còn chút tỳ vết, thì thật chẳng phải là viên ngọc tốt.

Vỗ xích 1 tiếng.

Vậy các vị  có thể  như thế mà sám hối không?

Chúng đáp: Y giáo phụng hành.

Các Sa Di cùng đứng lên nghe tiếng khánh lạy 3 lạy, vén y, lạy xong thâu tọa cụ, phân ban.

Các vị là những người đầu tiên, đợi khi thống lãnh đại chúng vân tập, chín người theo thứ lớp từ cánh cửa bên trái, đến bên chỗ sư nghiệm thẻ, căn cứ theo tên mà tiến vào, đến trước tòa sư phát lộ xong, chín người cũng theo thứ lớp từ cánh cửa bên phải, đến chỗ sư gôm thẻ, rồi căn cứ theo thứ lớp mà lui ra, lưu lại một nhóm ở giới đường còn bao nhiêu thì tạm thời lui ra. Mọi người ra xong lại bảo rằng. Ban thứ nhất tiến đến phía trước, xếp hàng.

Giới đường rộng thì 1 hàng, nếu hẹp thì phân hai nhóm trước sau.

Trải tọa cụ, nghe tiếng khánh lạy 3 lạy, vén y, lạy xong quì gối, chắp tay, vận tâm tác quán. Mọi người đều xưng rằng:

Nam mô Thập phương Thường trụ Tam Bảo (3 lần)

Sau đó mỗi người đều xưng pháp danh mình, xưng xong sư vỗ xích bảo:

– Nầy các Sa Di, bây giờ tôi hỏi các vị, các vị vốn đã thọ trì 10 chi giới tướng, chính là để gột rửa thân  tâm của các vị, khi bất tịnh đã trừ sạch, thì mới có thể chọn lựa đạo khí để gia nhập vào hàng Tăng. Thế nên tất cả các vị đều phải hiểu rõ lời tôi, chân thật mà đáp.

Vỗ xích 1 tiếng.

Thứ nhất: Giới không sát sanh, phàm vật gì có mạng sống thì không được cố giết hoặc tự giết, hoặc dạy người giết hoặc đào hầm hố giết, hoặc nương tựa thế lực giết, hoặc dùng chú thuật giết, hoặc thuốc độc giết, hoặc khuyên người khác giết, hoặc biết trước người kia có ý muốn tự sát mà sắp đặt khí cụ cho họ chết.

Nếu điều khiển ác thú rắn độc cắn chết, cho đến trục khai phá trứng, đốt núi rừng, khai cạn kênh rạch đều gọi là giết. Các vị ở giới này từng có phạm không? Nếu phạm thì tự thú là phạm giết như thế nào. Người bên cạnh không được dạy đáp là không, bởi vì khi phạm giới đều do tự tâm, lúc sám hối phải cần tự khai. Nếu người bên cạnh dạy thì người nầy mắc tội việt Tì Ni, 9 giới sau cũng như thế. Nếu chân chánh không phạm mới đáp là không.

Sự phạm giới trong đây là căn cứ theo luật chế định, để cho rõ tội tướng khinh trọng, nếu giết loài người thì phạm trọng, là tánh giới, phá căn bản, mất Sa di giới. Gọi là diệt tẩn Đột Kiết La, không cho sám hối, không được cùng với các Sa Di thanh tịnh khác ngủ chung, làm việc chung. Không được giống như các Sa Di thanh tịnh khác được ngủ chung với Tỳ Kheo ngủ 2, 3 đêm.

Nếu giết trời rồng quỉ thần có thể biến hình, hiểu được tiếng người thì phạm tội bậc trung cho sám hối, theo tội danh thì cho sám hối tội Đột Kiết La.

Nếu giết súc sanh không thể biến hình nhưng hiểu tiếng người, phạm bậc hạ cho sám hối. Theo tội danh nên sám hối tội Đột Kiết La.

Nếu giết loài người mà không chết thì phạm phương tiện tội bậc trung, nếu giết trời rồng cho đến loài súc sanh mà không chết thì phạm phương tiện tội bậc hạ.

Nếu giúp người khác khiến cho họ giết người, hoặc giết trời cho đến loài súc sanh… không chết thì không phạm, đều đồng với sự khinh trọng của bổn tội.

Nếu thấy giết mà không khởi từ tâm, lại khen ngợi tùy hỉ thì phạm tội phương tiện bậc trung cho sám hối.

Tội danh về 5 thiên 6 tụ của Tỳ Kheo, phận làm Sa Di không được biết trước, cho nên nói tội bậc trung bậc hạ, lại phương tiện nói tội bậc trung bậc hạ, kỳ thật nhiếp chung nên sám hối một tội Đột Kiết La. Sở dĩ nói trung hạ là do tâm phạm giới có phiền não mạnh, có phiền não nhẹ không đồng nhau. Thế nên theo đó mà phân trung hạ, ở về phần sự nghĩa của 9 giới sau cũng đồng như đây.

Nếu giết cha mẹ thánh nhơn thì phạm tội nghịch, đọa vào ngục A Tỳ, nặng hơn tội trên, giết tuy là một nhưng phán về sự thì không đồng khoa, như đàn ban đầu đã thẩm xét giết cha mẹ và đã nói rõ về cái ác của việc giết hại.

Thứ 2 : Giới trộm, phàm vật có chủ, không được sanh tâm trộm cố lấy, hoặc tự lấy, hoặc dạy người lấy, hoặc nhận lời người khác bảo  đến lấy giùm, hoặc dùng chú thuật lấy, hoặc nhân vì gửi lấy, hoặc cho rồi cưỡng ép đoạt lại, hoặc mượn của người không trả, cho đến trốn thuế, dối đò… đều gọi là trộm. Vậy  giới này các vị có phạm không? Nếu phạm tội trộm gì, liền phải thật lòng mà đáp. Nếu không phạm thì đáp là không. Phàm không luạn là vật mới hay cũ, vật quí hay thường. Nếu trộm trị giá 5 tiền thì phạm trọng tội, thuộc tánh giới phá căn bản, mất giới Sa Di, gọi là tội Diệt Tẩn Đột Kiết La, không cho sám hối, không cùng làm việc, không cùng ngủ chung với các Sa Di khác. Không được cùng với các Tỳ Kheo ngủ chung 2, 3 đêm như các Sa Di khác.

Năm tiền là căn cứ theo phương đây mà tính. Tức là 80 tiền, còn dùng ngân số mà tính thì là 8 đồng vậy.

Nếu trộm ít hơn 5 tiền, từ 4 tiền trở xuống phạm tội bậc trung cho sám hối. Tên thì tương ứng với sám hối tội Đột Kiết La, nếu trộm 5 tiền trở lên chưa đủ 10 tiền vẫn tính là 1 trọng tội. Nếu mãn 10 tiền tức là phạm 2 trọng tội. Trị giá nhiều hơn 5 tiền thì xét theo số tiền đã phạm, cũng mắc nhiều trọng tội, nếu trộm vật của Tam bảo cứ tính ra trị giá nhiều ít, việc định tội khinh trọng, đồng khoa như thế.

Nhưng trọng tội nói rất là nhiều, là lời nói chơn thật của Phật thương xót 7 chúng đệ tử trì giới, khiến chớ có hủy phạm, chỉ bày cái khổ báo nơi địa ngục lại càng thêm tăng trưởng, khó có ngày thoát ly.

Thứ 3: Giới dâm, nếu cùng với người nam người nữ làm hạnh bất tịnh hoặc mình dâm người, hoặc người khác dâm mình, cho đến cùng súc sanh, đều gọi là dâm. Ở trong giới này các vị có phạm không? Nếu phạm việc dâm nào thì liền như thật mà đáp, nếu không thì đáp là không.

Sự phạm giới trong đây, hễ có tâm dâm dục, hòa họp việc đã xong, đều phạm trọng tội, đó là tánh giới, phá căn bản, mất đi giới Sa Di, gọi là tội diệt tẩn đột Kiết La, không cho sám hối, không được cùng với các Sa Di khác cùng ngủ, cùng làm việc, không được cùng với các Tỳ kheo ngủ hai ba đêm như các Sa Di khác.

Nếu có tâm dâm dục chưa hòa hợp mà biết dừng lại, thì phạm tội bậc trung cho sám hối, tội danh nên sám hối tội đột  Kiết La. Nếu đem tâm dâm dục cùng với người nữ  hai thân chạm nhau, cùng với người nữ ngồi ở chỗ khuất, ở chổ khuất nói chuyện, đều phạm tội bậc trung cho sám hối, tội danh nên sám hối tội đột Kiết La.

Thứ 4: Giới vọng ngữ, nếu chưa từng ngộ đạo dối lòng nói đã ngộ, nếu chưa đắc thiền định, nói dối nói đã đắc, nếu chưa chứng tứ quả dối nói đã chứng. Cho đến dối nói trời rồng qủi thần đến, hư dối nói lời không thật như thế, phỉnh gạt làm mê hoặc người, thì đều gọi là đại vọng ngữ. Vậy  trong giới này các vị có phạm không?

Nếu từng đã nói dối với người, liền nên như thật mà đáp từng phạm tội vọng ngữ gì, nếu không thì đáp là không.

Lại có vọng ngữ, ý ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu đều gọi là tiểu vọng ngữ. Vậy ở trong giới này, các vị có từng phạm không, nếu phạm tội trọng vọng ngữ gì thì liền thật lòng mà đáp là phạm tội, nếu không thì đáp là không.

Sự phạm trong đây là tội đại vọng ngữ hướng đến người nói, người kia nếu hiểu rõ ràng thì phạm tội trọng, đó là tánh giới, phá căn bản, mất giới Sa Di, gọi là diệt tẩn đột Kiết La, không cho sám hối. Không được cùng với Sa Di khác cùng ngủ, cùng làm việc, không được như các Sa Di khác cùng với các Tỳ Kheo ngủ hai ba đêm.

Nếu bổn ý muốn đại vọng ngữ, nhưng nói không rõ ràng, người đối diện nghe mà không hiểu, hoặc đang nói liền dừng nửa chừng, đều phạm tội bậc trung cho sám hối, tội danh nên cho sám hối tội đột Kiết La. Nếu nói tiểu vọng ngữ, nói mà không rõ ràng, phải trách tâm, sám hối tội đột Kiết La, về sau chớ có làm nữa.

Bốn giới trên là  căn bản của tất cả giới.

Thứ 5: Giới không uống rượu, phàm những chất làm say người, một giọt cũng không được uống. Vậy  ở trong giới này các vị đã từng có phạm không? Nếu ngũ cốc và hoa quả đã làm thành rượu cho đến men rượu, bã rượu, hễ có mùi rượu, vị rượu, khởi ý tưởng đến rượu, vào miệng, xuống yết hầu mà có thể làm say người thì phạm giá giới cho sám hối, tội danh nên cho sám hối tội đột Kiết La. Nếu sợ bệnh nặng, thầy thuốc bảo phải dùng rượu nấu thuốc để trị bệnh thì trước phải bạch với sư Tăng, sư Tăng bằng lòng mới được uống. Nếu không có mùi rượu, vị rượu, uống vào mà không khởi ý tưởng rượu thì được, nếu bớt bệnh thì thôi không phạm, hoặc nhân lúc bệnh lấy rượu để nấu thuốc, khi bệnh bớt rồi mà vẫn cố tình uống dùng thì mắc tội này.

Thứ 6: Là giới không đeo tràng hoa, không xức dầu thơm vào thân mình. Vậy ở trong giới này các vị có từng phạm không. Nếu phạm việc gì, thì liền như thật mà đáp việc đó, nếu không phạm thì đáp rằng không.

Sự phạm giới trong đây là, cõi này dùng chất nhung lụa trân bảo để chế tạo làm khăn mão trang sức, thì cũng giống như việc đeo mang tràng hoa ở Tây cực. Nếu cõi này dùng hương để xông áo mão mùng màn, và đeo mang túi hương thì cũng giống như là dùng hương thoa thân ở Tây cực. Xét trong luật Tạng Phật có khai cho là tùy theo phong tục ở cõi nước, đều có căn cứ cho nên biết việc phục sức theo phong tục của cõi nước, tuy là có sự sai khác, nhưng cái tâm thích ưa trang sức để làm trò vui thì là một. Nếu có việc như thế thì phạm giá giới, cho sám hối, tội danh nên cho sám hối tội đột Kiết La.

Thứ 7: Không ca múa hát xướng, không cố đến để xem nghe. Vậy ở trong giới này các vị có từng phạm không?

Nếu phạm việc gì thì thành thật mà đáp việc đó. Nếu không thì đáp rằng không.

Sự phạm tội trong đây, hoặc xướng khúc hát, ngâm, thì gọi đó là ca. Nếu lắc vai nhón chân thì gọi là múa. Còn việc thổi sáo, đàn cầm, chơi cờ, cờ song lục, cờ vây, ném xô bồ, lắc hồ lô, bắn tên, cho đến cưỡi ngựa đánh kiếm… đều thuộc loại xướng kỷ. Hoặc tự mình làm, hoặc thấy nghe mà vui theo, hoặc cố ý đến xem nghe tất cả đều phạm giá giới, cho sám hối tội đột Kiết La.

Thứ 8: Không ngồi giường cao lớn. Vậy  ở trong giới này, các vị có phạm không?

Nếu có thì đáp có phạm, nếu không thì đáp không. Nay đời mạt pháp, giường nằm của Tăng đều không đúng lượng, phàm làm giới sư khi hỏi đến việc này, càng nên sanh tâm tàm quí. Chắc tự tâm cũng biết trái lời Phật dạy, khởi tâm như thế mới được. Nếu không thì bởn cợt với Tỳ Ni cố làm rồi cố hỏi hay sao?.

Sự phạm tội trong đây, luật chế giường nằm của Tăng, chỉ cho cao một thước sáu tấc (Tàu) nếu căn cứ vào thước của nhà Chu mà nói thì là một thước đúng. Còn thước thợ mộc nay là một thước tám tấc, một thước sáu tấc, nếu thước chuẩn thì thước có một thước hai tấc tám phân. Khi ngồi lên ngón chân không hỏng đất, nếu quá lượng nầy thì gọi là cao. Còn rộng thì gường nằm có thể xoay trở thoải mái, đã cao lại rộng cho nên gọi là giường lớn, sử dụng thì phạm giới, cho sám hối, tội danh thì nên sám hối tội đột kiết la. Nếu được cái đã làm sẳn, khi đem về cưa bớt chân cho đúng lượng thì không phạm.

Thứ 9: Không ăn phi thời, ở trong giới nầy các vị có phạm không?

Nếu có phạm thì đáp là có. Nếu không phạm đáp là không.

Sự phạm tội trong đây là lấy thời để chế. Thời là từ khi minh tướng mới xuất hiện ở phương đông cho đến đúng ngọ. Phi thời là ăn tất cả những vật có hình dáng, đều gọi là phá trai, phạm giá giới. Cho sám hối, tội danh nên sám hối tội đột kiết la. Nếu vì bệnh hoạn thì cho lấy tất cả thóc, đậu, lúa mạch nấu lấy nước uống nhưng không để cho tách vỏ, như thế thì được uống lúc phi thời, cho đến các thứ nước trái cây, lấy nước tác tịnh rồi được dùng.

Thứ 10: Không được cầm giữ sanh tượng vàng bạc báu vật. Ở trong giới nầy các vị có từng phạm không?

Nếu có phạm thì đáp là có. Nếu không phạm đáp là không.

Sự phạm giới trong đây, chữ sanh nghĩa là đầy đủ chất. Như vàng bạc châu ngọc, san hô, mã não, thủy tinh, xa cừ, lưu ly, hổ phách pha lê, đồi mồi, văn trì, ngà voi, tất cả những vật trân quí. Còn chữ tượng nghĩa là tạo tác thành tượng, như tiền giấy hay tất cả các món đồ do vàng bạc, bảy món báu mà làm thành nhiều loại, nhiều hình dạng khác nhau. Tất cả đều làm tăng trưởng lòng tham của người, có trái với ý chí cao thượng, cho nên Phật không cho cầm giữ. Nếu cầm giữ như thế thì phạm giá giới, cho sám hối. Tội danh thì nên cho sám hối tội đột Kiết La. Nếu vì Tam Bảo, sư trưởng, cha mẹ mà cầm lên  không nghĩ là vật của mình thì không phạm.

Chín người như thế, tất cả đều xét hỏi rõ ràng xong. Trong đây nếu có ai phạm căn bản trọng giới, thì thư ký ghi danh sách, hôm sau trình bạch hòa thượng. Nếu phạm sáu loại khinh giới sau  thì Yết Ma sư liền ngay nơi tòa mà suy xét dạy bảo sám hối.

Dẫn lễ nói:

Các vị lạy một lạy đứng dậy.

Thẻ thứ nhất từ bên phải trở xuống, đến chỗ sư giao thẻ xong, bèn y theo thứ lớp mà ra.

Đợi thẻ của 9 người đợt thứ nhất chuyển xuống, từ bên phải đi rồi, lại bảo rằng:

– Thẻ thứ 2 từ bên trái trở lên đến chổ sư nghiệm thẻ. Bèn căn cứ theo tên mà tiến vào giới đường.

Một nhóm như thế tuỳ theo thứ lớp nhiều ít, tất cả việc gọi đáp, cho đến thẻ cuối cùng, không cần phải ra khỏi giới đường mà đứng ở bên phải, liền đánh kiền chùy thì vân tập. Trước hết phải phát lộ, tất cả đều theo nhóm rồi căn cứ theo thứ tự mà vào giới đường, chia ra 2 bên mà đứng. Còn những ai đảm nhiệm công việc đếm và thâu thẻ, tuần tra… thì được ra khỏi chúng, hướng đến tòa một lượt chắp tay, xá chào, người kiểm thẻ bạch rằng.

Chúng con mỗ giáp… vâng theo việc Hòa Thượng sai đã làm xong. Từng nhóm theo thứ lớp không giảm, ra vào như pháp, tuần tra xem xét nghiêm mật. Động tĩnh an tường. Không có phạm oai nghi.

Yết Ma Sư nói rằng:

Người có công giúp đỡ, đêm khuya tinh thần mỏi mệt, đều mời nghỉ ngơi.

Các vị cáo từ mà lui, lại trở về chỗ cũ. Thư ký ra chúng, trình danh sách lên tòa, chắp tay xá bạch rằng.

Con mỗ giáp… vâng lời Hòa thượng ủy thác sai bảo, đăng ký hỏi tội tướng. Nay các Sa Di đây không có phạm tội căn bản, tất cả đều thanh tịnh, trình lên Yết Ma sư chuyển bạch Hòa Thượng.

Trong đây nếu có người phạm 4 tội nặng, thì văn này sửa rằng: Nay các Sa Di này, trong khi phát lộ, chỉ có mỗ giáp… phạm luật chương, ngoài ra tất cả đều thanh tịnh, trình Yết Ma sư, chuyển bạch Hòa thượng.

Yết Ma sư an ủi như trước xong, thư ký lại chắp tay vái chào, lui ra trở về liêu.

Dẫn lễ nói:

Các Sa Di đều trải tọa cụ, nghe tiếng khánh lạy 3 lạy, vén y, lạy xong quì gối, chắp tay.

Sư vỗ xích nói:

Các Sa Di, tôi nay tuân theo luật phật dạy đã hỏi rõ các vị, các vị đều hiểu rõ lời tôi hỏi, tất cả đều đáp xong, phải thành thật không được che dấu. Ngõ hầu thân khí thanh tịnh, như thế mới được đăng đàn đắc cụ giới. Nhưng vào ngày đăng đàn, ở chỗ khuất và trong Tăng, vẫn hỏi lại các vị về bốn  tội trọng căn bản. Các vị cũng như đêm nay ở trước tòa của tôi, xét kỹ như thật mà đáp. Lúc này lại vì các vị dâng hương cầu nguyện, Chư Phật gia hộ các thánh chứng minh. Nguyện cho lỗi lầm nhiều đời nhiều kiếp, từ nay diệt hết, nghiệp lành từ trước chưa làm từ nay siêng tu. Các vị từ nay đều phải quán tưởng 10 phương Chư Phật, nói theo lời tôi để chí thành sám hối. Mọi người đều xưng pháp danh. Xưng rồi, sư đứng dậy dâng hương xong, lại ngồi xuống chắp tay chí thành cử đọc:

Con xưa đã tạo các ác nghiệp
Đều do vô thỉ tham sân si
Từ thân miệng ý phát sanh ra
Tất cả tội chướng đều sám hối
Đối trước Phật đài xin sám hối
Tất cả tội căn đều sám hối.
Sám hối công đức Thù Thắng Hạnh
Vô biên thắng phước giải hồi hướng
Phổ nguyện trầm nịch chư chúng sanh
Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát
Thập phương tam thế nhất thiết Phật
Nhất thiết Bồ Tát Ma Ha Tát
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.

Dẫn lễ nói:

Các Sa Di cùng đứng dậy, nghe tiếng khánh lạy tạ 3 lạy. Vén y, lạy xong, thâu tọa cụ, phân ban.

Dẫn lễ hướng dẫn vị Sa Di đứng hàng đầu, đưa sư trở về liêu như thường lệ, sau đó vẫn trở về pháp đường, các Sa Di tiếp tục lên chánh điện. Tất cả đều kiền thành cung kính, lễ Phật suốt đêm. Còn các Sa Di khác lễ tạ dẫn lễ sư xong, liền lên chánh điện, đốt nhang đèn, ba nghiệp chí thành, năng sở đều không, như thật mà đảnh lễ.

Những Sa di phạm tội trọng ở trên, trong Tì Ni Phật dạy, không cho sám hối. Nếu xét thấy Sa Di kia, tuy phá trọng tội, nhưng trong lòng sự thật có tàm quí, sửa đỗi lỗi lầm làm con người mới,  có thể nương vào phương pháp đại thừa cứu bạt. Khiến cho chúng sợ cảnh địa ngục, dứt hẳn duyên đời, chọn chỗ kết đàn, ai cầu khắc khổ. Hoặc một tuần, hai tuần cầu thấy hảo tướng, tội lỗi mới được tiêu trừ. Nếu như không thấy, hoặc trải qua nhiều tháng nhiều năm, nhất định lấy việc hảo tướng làm kỳ hạn, thì mới cho thọ giới. Vì sợ nhơn duyên cản trở, không thể như pháp mà lập đàn, dù có thể lập đàn, mà hảo tướng không hiện thì hậu hối khó lường. Chẳng bằng phải cẩn thận ngay từ lúc đầu, thành khẩn gìn giữ làm thiện.

Pages: 1 2 3 4