tam chuyển pháp luân

Phật Quang Đại Từ Điển

(三轉法輪) I. Tam Chuyển Pháp Luân. Gọi tắt: Tam pháp luân, Tam luân. Chỉ cho 3 thứ chuyển pháp luân là Căn bản pháp luân, Chi mạt pháp luân và Nhiếp mạt qui bản pháp. Đây là danh từ phán giáo do ngài Cát tạng thuộc tông Tam luận đặt ra. 1. Căn bản pháp luân: Giáo thuyết căn bản trực tiếp tuyên bày cảnh giới giác ngộ cho các vị Đại bồ tát. Nhất thừa giáo 1 nhân 1 quả nói trong kinh Hoa nghiêm thuộc về giáo pháp căn bản này. 2. Chi mạt pháp luân: Vì những người ít phúc, căn tính chậm lụt, chưa có khả năng hiểu được Phật pháp nên phương tiện chia giáo pháp Nhất thừa làm Tam thừa mà nói các kinh. Đây là giáo pháp ngành ngọn(chi mạt) từ giáo pháp gốc rễ(căn bản) mà phân hóa ra, cho nên gọi là Chi mạt pháp luân. 3. Nhiếp mạt qui bản pháp luân(pháp luân đưa ngọn về gốc): Đưa giáo pháp Tam thừa chi mạt qui kết về giáo pháp Nhất thừa căn bản, đây chính là giáo thuyết của kinh Pháp hoa. Lại nữa, các kinh Đại thừa như Bát nhã, Tịnh danh, nếu nói theo ý nghĩa Bất phế Tam thừa(không bỏ Tam thừa)thì có thể gọi các kinh này là Chi mạt pháp luân hoặc giáo pháp Tam thừa nhập Nhất thừa cũng có thể gọi là Chi mạt pháp luân. Nếu nói theo giáo pháp Trực nhập Nhất thừa(vào ngay Nhất thừa) thì gọi là Căn bản pháp luân.Ngoài ra, theo sự phán giáo của tông Tam luận thì Thanh văn tạng và Bồ tát tạng là chính, còn Tam chuyển pháp luân thì là phụ. [X. phẩm Tín giải kinh Pháp hoa; Pháp hoa du ý; Trung luận sớ Q.1]. II. Tam Chuyển Pháp Luân. Chỉ cho pháp luân 3 lần chuyển Tứ đế của đức Phật. 1. Thị chuyển: Chỉ ra rằng Đây là khổ, đây là tập, đây là diệt, đây là đạo. 2. Khuyến chuyển: Khuyên rằng Đây là khổ, các ông nên biết; đây là tập, các ông nên dứt; đây là diệt, các ông nên chứng; đây là đạo, các ông nên tu. 3. Chứng chuyển: Chứng rằng Đây là khổ, ta đã biết, không còn gì để biết; đây là tập, ta đã dứt, không còn gì để dứt; đây là diệt, ta đã chứng, không còn gì để chứng; đây là đạo, ta đã tu, không còn gì để tu. Mỗi 1 lần chuyển đều có 4 hành tướng là nhãn, trí, minh, giác, cho nên 3 chuyển thành là 12 hành tướng. (xt. Tam Chuyển Thập Nhị Hành Tướng).