tam chủng tướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(三種相) I. Tam Chủng Tướng. Theo Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao thì Tam chủng tướng là: Tiêu tướng, Hình tướng và Thể tướng. 1. Tiêu tướng: Tiêu là biểu hiệu, như thấy khói thì biết có lửa… 2. Hình tướng: Chỉ cho hình dáng dài, ngắn, vuông, tròn… 3. Thể tướng: Thể tức là thể chất, như thể chất của lửa là nóng. II. Tam Chủng Tướng. Theo luận Đại trí độ quyển 1 thì Tam chủng tướng là: Giả danh tướng, Pháp tướng và Vô tướng tướng. 1. Giả danh tướng: Tất cả sự vật và chúng sinh ở thế gian đều do các duyên hòa hợp mà có những tên gọi, đều không có tự tính, hư giả chẳng thật; vì mê lầm nên chúng sinh khởi tướng chấp lấy cái giả danh này, nên gọi là Giả danh tướng. 2. Pháp tướng: Các pháp 5 uẩn, 12 nhập, 18 giới… nhìn bằng con mắt thế tục thì thấy là có, nhìn bằng con mắt trí tuệ thì thấy là không; chúng sinh vì mê lầm nên khởi tướng chấp lấy các pháp này, nên gọi là Pháp tướng. 3. Vô tướng tướng: Xa lìa Giả danh tướng và Pháp tướng trên thì chỉ có Vô tướng; nhưng chúng sinh vì mê lầm nên trong vô tướng lại khởi tướng chấp thủ cho nên gọi là Vô tướng tướng. III. Tam Chủng Tướng. Theo luận Thành thực quyển 12 thì Tam chủng tướng là Phát tướng, Chế tướng và Xả tướng. 1. Phát tướng: Khi tâm mờ tối li bì thì dùng hạnh tinh tiến để kích phát, gọi là Phát tướng. 2. Chế tướng: Khi tâm động loạn thì dùng pháp tịch lặng để cấm chế, gọi là Chế tướng. 3. Xả tướng: Lúc tâm không mờ tối, không động loạn thì xả bỏ Phát tướng và Chế tướng nêu trên, gọi là Xả tướng.