tam chủng tập khí

Phật Quang Đại Từ Điển

(三種習氣) Cũng gọi Tam chủng huân tập, Tam huân tập. Chỉ cho 3 thứ tập khí: Danh ngôn, Ngã chấp và Hữu chi. 1. Danh ngôn tập khí: Các chủng tử thân nhân duyên khác nhau của pháp hữu vi do danh ngôn huân tập (xông ướp) mà thành, được chia làm 2 thứ: a) Biểu nghĩa danh ngôn: Những âm thanh khác nhau có năng lực giải thích nghĩa lí rõ ràng. b) Hiển cảnh danh ngôn: Tâm, tâm sở pháp có khả năng phân biệt rõ các cảnh giới.2. Ngã chấp tập khí: Các chủng tử do ngã chấp huân tập mà thành, làm cho hữu tình khởi lên sự sai khác về mình và người, cũng được chia làm 2 thứ: a) Câu sinh ngã chấp: Chung cho thức thứ 6(ý thức) và thức thứ 7(thức Mạt na), ngoại trừ các vị Vô học của Nhị thừa, hàng Bồ tát từ địa thứ 8 trở lên và Như lai, các chúng sinh khác đều có tập khí này.b) Phân biệt ngã chấp: Chỉ có ở thức thứ 6, là tập khí sinh khởi ở vị Tư lương của Dị sinh(phàm phu). 3. Hữu chi tập khí: Các chủng tử do Hữu chi huân tập mà thành quả Dị thục thiện, ác khác nhau, lại cũng được chia làm 2 thứ: a) Hữu lậu thiện: Nghiệp nhân có năng lực mang lại quả báo đáng ưa thích. b) Chư bất thiện: Những nghiệp nhân có năng lực đưa đến các quả báo chẳng đáng ưa. Hữu chi tập khí lấy thiện, ác tương ứng với Tư của thức thứ 6 làm Tăng thượng duyên, trợ giúp việc nuôi lớn các Danh ngôn chủng tử của Dị thục vô kí, làm cho sinh ra quả ở đương lai. Danh ngôn chủng tử là Tư chủng tử của thức thứ 6, có công năng hiển rõ tự nghĩa và phân biệt cảnh giới; theo đó, chủng tử huân tập 5 uẩn tự thân là lí do cắt nghĩa sự sai khác mình, người, sinh thành tập khí ngã chấp, xoay vần lẫn nhau mà làm thành các pháp hữu lậu, hữu vi, tự tha, thiện ác… [X. kinh Giải thâm mật Q.3; luận Thành duy thức Q.8; Nhiếp đại thừa luận thích Q.3 (bản dịch đời Đường); Thành duy thức luận thuật kí Q.8, phần đầu]. (xt. Tập Khí).