tam chủng giáo tướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(三種教相) I. Tam Chủng Giáo Tướng. Cũng gọi Giáo tướng tam ý. Ba sự sai khác về mặt giáo tướng giữa kinh Pháp hoa và các kinh trướcPháp hoa.1. Căn tính dung bất dung tướng: Tức phán giáo Năm thời Tám giáo. Bốn thời (thời Hoa nghiêm, thời A hàm, thời Phương đẳng, thời Bát nhã) trước Pháp hoa là dùng 4 giáo Hóa nghi và Hóa pháp để giáo hóa hàng Nhị thừa, Tam thừa, Ngũ thừa căn tính chưa thuần thục. Trong 4 giáo Hóa pháp tuy có Viên giáo nhưng chỉ có Pháp khai hội(nghĩa là tất cả giáo pháp đều tương đồng nhất trí) chứ không có Nhân khai hội (nghĩa là loại bỏ sự khác nhau giữa Tam thừa, vì mọi người đều có khả năng thành Phật). Những người được Pháp hoa giáo hóa là những căn cơ Nhất Phật thừa, căn tính thuần thục, pháp năng hóa thì đủ cả Pháp khai hội và Nhân khai hội, tức là mở bày Viên giáo thuần tuý vi diệu. 2. Hóa đạo thủy chung bất thủy chung tướng: Các giáo khác ứng theo căn cơ làm lợi ích chúng sinh, không nói đến ý nghĩa giáo hóa bằng cách đưa Quyền về thực của Như lai. Còn Pháp hoa thì nói rõ bản ý thiết lập giáo pháp của Phật là khéo léo vì các căn cơ của chúng sinh mà gieo các chủng tử Đốn, Tiệm, Bất định, Hiển, Mật… sau đó dùng các giáo pháp này mà điều phục, trưởng dưỡng và làm cho họ thuần thục, cuối cùng là độ thoát họ. Đủ biết việc thiết lập giáo pháp của đức Phật có 3 giai đoạn lợi ích: Chủng, Thục, và Thoát. 3. Sư đệ viễn cận bất viễn cận tướng: Các kinh khác đều nói rằng khi Phật thành đạo ở gốc cây Bồ đề thì Thực trí mới tròn đủ, mới thi thiết Quyền trí, các đệ tử Nhị thừa không vào được Thực trí thì cũng không thi thiết được Quyền trí. Còn kinh Pháp hoa thì cho rằng trước khi Phật ngồi dưới gốc cây Bồ đề, Ngài đã thành Phật từ lâu, đã đầy đủ cả hai trí Quyền và Thực; vả lại, các đệ tử cũng đã vào Thực trí rất lâu, cũng đã hiểu Quyền trí và thực hành rồi, cho nên, thầy và đệ tử đều đã có Quyền và Thực trí từ lâu xa trước khi Phật ngồi ở gốc cây Bồ đề. Trong 3 loại giáo tướng trên đây, ngài Trí khải thường dùng cách phán giáo thứ nhất, ngài Kinh khê Trạm nhiên, ngài Tối trừng(người Nhật bản)thường dùng cách phán giáo thứ hai, ngài Nhật liên(Tổ của tông Nhật liên, Nhật bản) thì thường dùng cách phán giáo thứ ba. [X. Pháp hoa huyền nghĩa Q.1, thượng; Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.1]. II. Tam Chủng Giáo Tướng. Chỉ cho 3 thứ giáo tướng thường được các Luận sư phương Nam sử dụng. 1. Đốn giáo: Giáo pháp Hoa nghiêm dùng để giáo hóa hàng Bồ tát, như mặt trời chiếu trên núi cao, nên gọi là Đốn giáo.2. Tiệm giáo: Lại chia làm Hữu tướng giáo và Vô tướng giáo. Tam tạng giáo(Tiểu thừa giáo) để hóa độ Tiểu thừa, trước dạy Bán tự giáo, gọi là Hữu tướng giáo. Sau khi thành Phật được 12 năm, đức Thế tôn vì hàng Đại thừa mà nói 5 thời Bát nhã cho đến thường trụ, gọi là Vô tướng giáo. Hữu tướng, Vô tướng đều thuộc về Tiệmgiáo.3. Bất định giáo: Như các kinh Thắng man, Kim quang… chẳng phải đốn, chẳng phải tiệm, nói rõ về Phật tính thường trụ, cho nên gọi là Thiên phương bất định giáo.[X. Nhân vương bát nhã kinh sớ Q.thượng, phần 1; Pháp hoa huyền nghĩa Q.10, thượng].