tam chủng diệt

Phật Quang Đại Từ Điển

(三種滅) I. Tam Chủng Diệt. Ba thứ diệt của các pháp Hữu vi và Vô vi: Trạch diệt, Phi trạch diệt, Vô thường diệt.1. Trạch diệt: Sự tịch diệt lìa tất cả phiền não ràng buộc. 2. Phi trạch diệt: Sự tịch diệt không lìa tất cả phiền não ràng buộc. 3. Vô thường diệt: Các hành tam hoại phá diệt. Trong 3 thứ tịch diệt trên đây, Trạch diệt và Phi trạch diệt thuộc về pháp Vô vi, còn Vô thường diệt thì thuộc về pháp Hữu vi. X. luận Đại tì bà sa Q.31]. (xt. Phi Trạch Diệt Vô Vi, Trạch Diệt). II. Tam Chủng Diệt. Ba thứ diệt của pháp Hữu vi: Niệm niệm diệt, Tương vi diệt và Vô dư diệt. 1. Niệm niệm diệt: Sự hoại diệt của tất cả pháp hữu vi trong từng sát na. 2. Tương vi diệt: Tính chất của sự phá diệt tương tục giữa các sát na trước sau trái nhau. 3. Vô dư diệt: Như sự diệt tắt của lửa đèn, sau khi diệt không còn gì sót lại. Ba thứ diệt trước đây đồng nghĩa với 3 thứ Vô thường nói trong luận Thuận trung quyển hạ là Niệm niệm hoại diệt vô thường, Hòa hợp li tán vô thường và Tất cánh như thị vô thường. III. Tam Chủng Diệt. Ba phương thức đoạn diệt phiền não, đó là: 1. Vị hữu diệt: Phiền não chưa sinh khởi thì không để cho nó sinh khởi. 2. Phục li diệt: Phiền não đã sinh khởi, nhờ ở đạo thế, xuất thế mà hiện thời không khởi.3. Vĩnh li diệt: Phiền não đã nép phục, không sinh khởi, xa lìa nhân diệt, diệt mãi không còn, cho nên trong vị lai chắc chắn sẽ không sinh khởi lại. [X. luận Tứ đế Q.3]. IV. Tam Chủng Diệt. Ba loại Diệt đế được nêu trong luận Thành duy thức quyển 8 và trong Thành duy thức luận thuật kí quyển 9, phần đầu. 1. Tự tính diệt: Chỉ cho tính Biến kế sở chấp. Diệt có nghĩa là không sinh, bởi vì tự tính không sinh nên giả gọi là Diệt. 2. Nhị thủ diệt: Chỉ cho tính Y tha khởi. Nhị thủ là Năng thủ, Sở thủ. Bởi vì tướng của Năng thủ, Sở thủ vốn không sinh nên gọi là Nhị thủ diệt. 3. Bản tính diệt: Chỉ cho Chân như. Bởi vì thể của Chân như xưa nay vốn vắng lặng, cho nên gọi là Bản tính diệt. X. luận Biện trung biên Q.trung; Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng Q.6, phần cuối; Thành duy thức luận đồng học sao Q.85].