tam chủng chỉ quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(三種止觀) Gọi tắt: Tam chỉ quán. Chỉ cho Tiệm thứ chỉ quán, Bất định chỉ quán và Viên đốn chỉ quán do tông Thiên thai thành lập. Đó là: 1. Tiệm thứ chỉ quán(gọi tắt: Tiệm thứ quán): Pháp quán trước cạn sau sâu dần, giống như bước lên thang lầu từ thấp đến cao. Đầu tiên là giữ giới, đạt được 3 đường thiện; kế đến là tu thiền định, dứt dục phá lưới Dục giới, đạt được Sắc định và Vô sắc định; kế nữa là tu vô lậu, ra khỏi ngục 3 cõi, đạt được đạo Niết bàn; lại tu từ bi, ngăn dứt việc tự chứng, đạt được đạo Bồ tát; sau đó, dần dần quán thực tướng, ngăn dứt thiên chấp 2 bên, đạt được đạo thường trụ. Đây chính là tướng của Tiệm thứ chỉ quán, các pháp môn này có năng lực khiến cho hành giả thấy được tính Phật, trụ Đại niết bàn. 2. Bất định chỉ quán: Pháp quán chẳng phải trước quán thực tướng, cũng chẳng phải theo thứ tự từ cạn đến sâu, mà là trước sau thay đổi nhau. Như đặt viên kim cương dưới ánh mặt trời thì hiện ra nhiều màu sắc bất định. Đây là giai vị không phân biệt, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà thực hành pháp trước cạn sau sâu, hoặc trước sâu sau cạn, hoặc cạn sâu, sự lí, tiệm đốn bất định… để thành tựu pháp quán thực tướng. Tức chỉ cho thế giới là Đệ nhất nghĩa, hoặc chỉ cho Đệ nhất nghĩa là vị nhân đối trị; hoặc dứt Quán là Chỉ, hoặc chiếu Chỉ là Quán, cho nên gọi là Bất định chỉ quán. Đây là nhờ đã trồng căn lành từ nơi các đức Phật quá khứ, nên nay tu chứng Thập nhị môn, hoát nhiên khai ngộ mà được Vô sinh nhẫn. 3. Viên đốn chỉ quán: Vừa mới phát tâm liền quán thực tướng. Quán trong pháp giới nhất sắc nhất hương đều là Trung đạo, cõi mình, cõi Phật và cõi chúng sinh cũng thế, cho nên vô minh trần lao chính là bồ đề, không có Tập đế để đoạn; biên, tà đều là Trung, chẳng có Đạo đế để tu; sinh tử tức niết bàn, không có Diệt đế để chứng. Giống như người có thần thông bay lên hư không, mới duyên theo thực tướng mà hành, giải đều viên đốn. Đây là dùng pháp tính tịch nhiên mà tu 4 thứ Tam muội, thực hành 8 chính đạo, tuy có trước sau nhưng thực không hai không khác, cho nên ở nơi đạo tràng mà mở ra tri kiến Phật, được Vô sinh nhẫn.[X. Ma ha chỉ quán Q.1, thượng; Pháp hoa huyền nghĩa Q.10, thượng; Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.10, thượng]. (xt. Bất Định Chỉ Quán, Chỉ Quán, Viên Đốn Chỉ quán, Tiệm Thứ Chỉ Quán).