tam chiếu

Phật Quang Đại Từ Điển

(三照) Thứ tự chiếu soi của mặt trời có 3 nấc từ khi mới mọc. Cứ theo phẩm Bảo vương Như lai tính khởi trong kinh Hoa nghiêm quyển 34 (bản dịch cũ) thì ví dụ như mặt trời mọc, trước hết chiếu soi hết tất cả núi chúa(cao nhất), kế đến chiếu soi tất cả núi lớn và núi báu Kim cương, sau cùng chiếu soi tất cả đại địa. Sự giáo hóa chúng sinh của đức Phật cũng tuần tự theo các thứ lớp như sau: Trước hết, giáo hóa từ Đại bồ tát, rồi Duyên giác, Thanh văn, chúng sinh thiện căn quyết định, tất cả chúng sinh và cuối cùng cho đến chúng sinh tà định tụ. Trong Pháp hoa huyền nghĩa quyển 1, ngài Trí khải căn cứ vào thứ tự thuyết pháp của đức Phật mà chia ra: Núi cao, thung lũng và đồng bằng, rồi đem phối với 5 thời giáo để giải thích; nghĩa là: Chiếu núi cao là thời Hoa nghiêm, chiếu các thung lũng là thời A hàm, chiếu đồng bằng thì chia làm 3 thời, theo thứ tự là: Thời Phương đẳng(ví dụ lúc 8 giờ sáng), thời Bát nhã(lúc 10 giờ) và thời Pháp hoa Niết bàn(lúc 12 giờ trưa). [X. Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.1; Quán âm nghĩa sớ kí Q.3; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.14]. (xt. Ngũ Thời Bát Giáo).