tam bồ đề

Phật Quang Đại Từ Điển

(三菩提) I. Tam Bồ Đề. Cũng gọi Tam thừa bồ đề. 1. Thanh văn bồ đề: Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm Vô thượng chính đẳng chính giác mà không dạy người khác phát tâm bồ đề, không làm cho người khác khởi lòng tin, do nhân duyên này, tâm được giải thoát, gọi là Thanh văn bồ đề.2. Duyên giác bồ đề(cũng gọi Độc giác bồ đề, Bích chi phật bồ đề): Thiện nam tử, thiện nữ nhân, tự mình phát tâm bồ đề mà không dạy người khác phát tâm bồ đề, không làm cho người khởi tín tâm, không tự mình thụ trì nghĩa kinh Đại thừa, cũng không vì người khác giải nói rộng rãi, do nhân duyên này nên tâm chứng Bích chi bồ đề. 3. Vô thường chính đẳng bồ đề (cũng gọi Vô thượng bồ đề, A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, Chư Phật bồ đề): Thiện nam tử, thiện nữ nhân tự mình phát tâm bồ đề, cũng lại dạy người khác phát tâm bồ đề khiến người khác khởi lòng tin, dù có người đến hay không đến, đều cung kính tùy hỉ, sự tự lợi lợi tha như thế đều là vì lợi ích, an vui cho nhiều người, cho nên gọi là Vô thượng chính đẳng bồ đề. Ba thừa trên đây ví như 3 người vượt sông Hằng, người thứ nhất kết bè cỏ để qua; người thứ hai dùng đãy bằng da, hay thuyền bằng da để qua; người thứ ba làm 1 con thuyền lớn để qua, thuyền này chở được cả trăm nghìn người. Thí dụ này được thấy trong kinh Xuất sinh bồ đề tâm. [X. kinh Tạp a hàm Q.28; phẩm Tam chủng bồ đề trong kinh Ưu bà tắc giới Q.1; luận Đại trí độ Q.53]. II. Tam Bồ Đề. Dựa vào 3 thân Phật chia làm 3 loại: 1. Ứng hóa Phật bồ đề(cũng gọi Phương tiện bồ đề, Cứu cánh bồ đề): Bồ đề này lấy hóa dụng thiện xảo tự tại làm đạo. 2. Báo Phật bồ đề(cũng gọi Thực trí bồ đề, Thanh tịnh bồ đề): Bồ đề này lấy trí tuệ xứng lí làm đạo. 3. Pháp Phật bồ đề(cũng gọi Chân tính bồ đề, Thực tướng bồ đề, Vô thượng bồ đề): Bồ đề này lấy lí thực tướng làm đạo. Pháp hoa kinh huyền nghĩa quyển 5, hạ, đem 3 bồ đề này phối hợp với Tư thành quĩ, Quán chiếu quĩ và Chân tính quĩ. Còn Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết quyển 3, phần 1, thì phối hợp với giải thoát, bát nhã và pháp thân. [X. Kim quang minh huyền nghĩa Q.thượng]. (xt. Tam Thân, Bồ Đề).