tam bất thoái

Phật Quang Đại Từ Điển

(三不退) Trong quá trình tu hành Phật đạo, nhờ công đức đã giác ngộ mà vào được địa vị không trở lui, gọi là Bất thoái. Bất thoái có 3 là:1. Vị bất thoái: Địa vị đã chứng được không trở lui. 2. Hành bất thoái: Pháp tu hành không lui sụt. 3. Niệm bất thoái: Chính niệm không lui mất: Về việc phối hợp Tam bất thoái này với các giai vị tu hành của Bồ tát thì các tông nói không giống nhau. Tông Pháp tướng gọi giai vị muôn kiếp tu nhân vào Thập trụ, thành tựu Duy thức quán, không còn rơi trở lại địa vị do nghiệp ác mà phải trôi lăn trong sinh tử là Vị bất thoái; đã vào được Sơ địa, thành tựu chân Duy thức quán, đối với hạnh lợi tha không lui sụt, gọi là Hạnh bất thoái; từ Bát địa trở lên, được trí vô công dụng, niệm niệm nhập vào biển chân như, trong định, trong tán thường hằng tự tại, gọi là Niệm bất thoái. Tông Thiên thai thì chủ trương từ Sơ trụ đến Thất trụ của Biệt giáo là Vị bất thoái, trong giai đoạn này dứt trừ tất cả Kiến hoặc, Tư hoặc mà thoát hẳn sinh tử trong 3 cõi; từ Bát trụ đến hết Thập hồi hướng là Hạnh bất thoái, trong giai đoạn này phá trừ hoặc Trần sa mà không lui mất tâm lợi tha; từ Sơ địa trở lên là Niệm bất thoái, trong giai đoạn này dứt trừ hoặc Vô minh, vĩnh viễn không lui mất chính niệm Trung đạo. Nếu phối hợp với Viên giáo thì từ Sơ tín đến Thất tín là Vị bất thoái, từ Bát tín đến hết Thập tín là Hạnh bất thoái, từ Sơ trụ trở lên là Niệm bất thoái. Ngoài ra, trong Pháp hoa nghĩa sớ quyển 1, ngài Cát tạng có nêu ra 4 thuyết khác về Tam bất thoái sau đây: 1. Trong giai vị Thập trụ, Bồ tát từ Thật trụ trở lên không còn trở lui lại địa vị Nhị thừa, gọi là Vị bất thoái; trong Thập địa, sự tu hành của Bồ tát Thất địa không còn chuyển lui nữa, gọi là Hạnh bất thoái; Bồ tát từ Bát địa trở lên nhập vào Vô công dụng đạo, tự nhiên tiến đạo mà không động niệm, gọi là Niệm bất thoái. 2. Lục tâm của giai vị Ngoại phàm là Vị thoái, Thất tâm trở lên là Vị bất thoái, còn Hạnh bất thoái và Niệm bất thoái thì cũng giống như trước đã giải thích. 3. Tập chủng tính gọi là Vị bất thoái, Đạo chủng tính, giải và hành đều thuần thục, gọi là Hạnh bất thoái; Sơ địa trở lên được Vô sinh nhẫn, không còn sinh tâm động niệm, gọi là Niệm bất thoái. 4. Thập tín thập trụ là Tín bất thoái, Thập hành là Vị bất thoái, Thập hồi hướng là Hạnh bất thoái, Thập địa là Niệm bất thoái. Tam bất thoái nếu thêm Xứ bất thoái thì thành Tứ bất thoái. [X. Pháp hoa nghĩa sớ Q.2; Duy ma kinh lược sớ Q.1; Pháp hoa huyền nghĩa Q.4, thượng; Pháp hoa văn cú kí Q.2, trung]. (xt. Bất Thoái).