tam bảo vật

Phật Quang Đại Từ Điển

(三寶物) Chỉ cho những vật thuộc về Phật, Pháp, Tăng. 1. Phật vật: Như các loại tượng Phật, điện đường, hương hoa, phướn lọng… tất cả vật dụng cúng dường Phật đều không được dùng vào các việc khác, nếu lạm dụng thì phạm tội ăn cắp. Cứ theo Tứ phần luật hành sự sao quyển trung, phần 1 thì vật cúng dường Phật có 4 thứ: a) Phật thụ dụng vật: Những vật sở hữu của Phật như nhà cửa, y phục, giường màn… b) Thí thuộc Phật vật: Những vật bố thí cho Phật như tiền bạc, của báu, ruộng vườn, người và súc vật… c) Cúng dường Phật vật: Những vật cúng dường Phật như hương đèn, hoa phướn, vật cúng… d) Hiến Phật vật: Những vật dâng cúng như thuốc thang, thức ăn uống… Phạm võng kinh Bồ tát giới bản sớ quyển 1 thì nêu 6 thứ Phật vật, trong đó, 4 thứ trước giống như 4 thứ vừa nói ở trên, còn 2 thứ sau là: a) Phật bảo vật: Vật chuyên để cúng dường Phật: Lúc Phật còn tại thế thì do sắthân Phật thụ dụng; sau khi Phật nhập diệtthì do pháp thân Phật thụ dụng. b) Cục Phật vật: Tức là vật chỉ thuộc về 1 đức Phật, như vật cúng dường tượng Phật Thích ca thì không được đem cúng dường tượng Phật A di đà, hoặc gỗ vốn dành để khắc tượng Phật không được dùng để tạc tượng Tăng hoặc tượng thiên thần, Bồ tát… 2. Pháp vật: Như các loại kinh Phật, giấy bút, hòm tráp, khăn đậy kinh… Tất cả những vật này không được sửa đổi lại để dùng vào việc khác. Tứ phần luật hành sự sao quyển trung, phần 1, nêu 4 thứ Pháp vật: a) Pháp thụ dụng vật: Những vật sở hữu của Pháp, như trục cuốn, hòm tráp, khăn… b) Thí thuộc pháp vật: Những vật được bố thí cho Pháp như ruộng vườn… Có thể chia làm 2 phần, 1 phần dành cho kinh điển và 1 phần dành cho người đọc tụng kinh điển. c) Cúng dường pháp vật: Những vật cúng dường kinh điển như hương, hoa… d) Hiến pháp vật: Những thứ cúng dường kinh điển như thức ăn uống… Bồ tát giới bản sớ, ngoài 4 thứ cúng dường Pháp ghi trên, nêu thêm 2 thứ nữa là: a) Pháp bảo vật: Vật để trong tháp, chuyên dùng để cúng dường Pháp bảo. b) Cục pháp vật: Vật chỉ hạn cuộc ở 1 bộ kinh nhất định nào đó, như giấy định dùng để biên chép kinh Đại phẩm thì không được dùng để biên chép kinh Niết bàn… 3. Tăng vật: Chỉ cho các loại vật dụng thuộc về Tăng như: Phòng tăng, ruộng vườn, áo bát, thóc gạo, rau quả… Tăng vật có 2 loại: Một là Thường trụ vật, như chùa viện, tinh xá, rừng cây, kho lẫm…; hai là những vật đã có nơi chốn cố định, tức những vật không được dời đi nơi khác. Tứ phần luật hành sự sao quyển trung, phần 1, nêu ra 4 thứ Tăng vật: a) Thường trụ thường trụ vật: Gồm những vật cố định được sử dụng ở một trụ xứ như nhà bếp, nhà kho, chùa viện, tinh xá, đồ dùng, hoa trái, rừng cây, ruộng vườn, người giúp việc, súc vật… b) Thập phươngthường trụ vật: Những vật do chúng tăng trong 10 phương cùng nhau thụ dụng như cơm, bánh… c) Hiện tiền hiện tiền vật: Những vật như y phục, thuốc thang, phòng xá, đồ dùng… mà thí chủ cúng dường chúng tăng hiện tiền thì do chúng tăng ấy thụ dụng. d) Thập phương hiện tiền vật: Những vật do thí chủ cúng dường chúng tăng 10 phương hiện tiền thì chúng tăng ấy chia dùng. Bồ tát giới bản sớ thì nêu 5 thứ Tăng vật:a) Tăng bảo vật: Vật do thí chủ đặt vào trong tháp để cúng dường Tăng đệ nhất nghĩa đế. b) Thường trụ tăng vật: Tức là Thường trụ thường trụ vật và Thập phương thường trụ vật nói trong Tứ phần luật hành sự sao quyển trung, phần 1. c) Thập phương hiện tiền tăng vật. d) Chúng tăng vật. Hai thứ Tăng vật này hợp chung lại tức là Thập phương hiện tiền vật nói trong Tứ phần luật hành sự sao quyển trung, phần 1. e) Kỉ giới cục tăng vật: Như vật bố thí cho chúng tăng chùa này thì không được đem đi bố thí cho chư tăng chùa khác. Do đó mà biết, đối với vật của Tam bảo, hoặc lấy trộm, hoặc chuyển dụng hay vay mượn không trả thì tùy theo nặng nhẹ mà trị tội. [X. luận Hiển dương đại giới Q.3; Thích thị yếu lãm Q.trung; Ma ha chỉ quán Q.8 hạ; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.8, phần 3; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.4]. (xt. Phật Vật, Pháp Vật, Tăng Vật).