Tam Bảo

Từ Điển Đạo Uyển

三寶; C: sānbăo; J: sanbō; S: triratna; P: tiratana; “Ba ngôi báu”;
Ba cơ sở chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng, tức là bậc giác ngộ, giáo pháp của bậc giác ngộ và bạn đồng học. Người có niềm tin kiên cố nơi Tam bảo được gọi là bậc Dự lưu (vào dòng). Người Phật tử biểu lộ sự tin tưởng bằng cách quy y Tam bảo (Ba quy y). Trong mười phép quán Tuỳ niệm (p: anussa-ti), ba đối tượng đầu tiên là Tam bảo.
Ý nghĩa của Tam bảo được hiểu rộng hơn theo truyền thống Ðại thừa. Trong các buổi giảng dạy về Thiền, đặc biệt sau các chương trình Tiếp tâm (j: sesshin), quán Công án, các thiền sinh được hướng dẫn vào lối nhìn Tam bảo của Ðại thừa. Theo cách nhìn này thì người ta có thể phân ý nghĩa Tam bảo ra ba tầng cấp: a) Nhất thể tam bảo (j: ittai-sambō), b) Hiện tiền tam bảo (j: genzen-sambō) và c) Trụ trì tam bảo (j: juji-sambō).
Nhất thể tam bảo (一體三寶; cũng được gọi là Ðồng thể tam bảo; 同體三寶) bao gồm: 1. Ðại Nhật Phật, hiện thân của Pháp thân (s: dharmakāya), biểu hiện của sự bình đẳng vô vi, sự thông suốt tính Không (s: śūnyatā) và Phật tính của vạn vật; 2. Pháp (s: dharma), được hiểu là luân lí của toàn thể vũ trụ và theo đó thì tất cả những pháp hiện hữu đều theo nhân duyên mà sinh, đều phụ thuộc vào nhau; 3. Sự xuyên suốt giữa hai điểm 1. và 2. nêu trên và từ đó xuất phát ra một sự thật, một sự thật mà chỉ một bậc Giác ngộ mới có thể trực chứng được.
Hiện tiền tam bảo (現前三寶; cũng có lúc được gọi là Biệt thể tam bảo; 別體三寶) gồm có: 1. Ðức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni (s: śākyamuni), người sáng lập Phật giáo qua sự giác ngộ của chính mình và là người đã thực hiện được Nhất thể tam bảo; 2. Pháp, ở đây được hiểu là giáo lí của đức Phật, được Ngài thuyết giảng và 3. Các vị đệ tử của Ngài.
Trụ trì tam bảo (住持三寶) bao gồm: 1. Những tranh tượng của đức Phật được truyền lại đến ngày nay; 2. Những lời dạy của chư vị Phật trong kinh sách và 3. Chư Phật tử hiện nay, những người đang tu học và thực hiện Chính pháp.