tam bảo

Phật Quang Đại Từ Điển

(三寶) Phạm: Tri-ratna hoặc Ratna-traya. Pàli: Ti-ratana hoặc Ratanattaya. Cũng gọi Tam tôn. Chỉ cho 3 ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo được tín đồ Phật giáo tôn kính, cúng dường. Phật (Phạm:Buddha) là bậc đã giác ngộ, có năng lực giáo hóa, dắt dẫn chúng sinh, là Giáo chủ của Phật giáo, hoặc chỉ chung cho hết thảy chư Phật; Pháp (Phạm: Dharma) là giáo pháp của đức Phật; Tăng (Phạm: Saôgha) là tăng đoàn đệ tử của Phật tu học theo giáo pháp. Ba ngôi trên có uy đức cao tột, có năng lực mang lại giải thoát, yên vui cho hết thảy chúng sinh, như của báu thế gian, nên gọi là Tam bảo. Theo luận Cứu cánh nhất thừa bảo tính quyển 2 thì Tam bảo có 6 nghĩa: 1. Hi hữu: Ba ngôi báu này trải qua trăm nghìn muôn kiếp mới có, cũng như vật trân bảo ở thế gian rất khó có được. 2. Minh tịnh: Ba ngôi báu này xa lìa tất cả pháp hữu lậu, trong sạch sáng suốt. 3. Thế lực: Ba ngôi báu này có đầy đủ uy đức tự tại không thể nghĩ bàn. 4. Trang nghiêm: Ba ngôi báu này có năng lực trang nghiêm xuất thế gian, giống như của báu ở thế gian có thể làm đẹp thế gian.5. Tối thắng: Ba ngôi báu này thù thắng mầu nhiệm hơn hết trong các pháp xuất thế gian. 6. Bất biến: Ba ngôi báu này là pháp vô lậu, tám pháp của thế gian không thể làm cho lay động, biến đổi. Đại thừa nghĩa chương quyển 6, phần đầu thì nêu 4 nghĩa thiết lập Tam bảo: 1. Vì đối trị tà tam bảo của ngoại đạo, đó là nghĩa bỏ tà về chính. 2. Phật là bậc Điều ngự sư, Pháp là giáo pháp của Phật, Tăng là đồ đệ của Phật. Chỗ chứng ngộ của 3 ngôi báu này là vô lượng, nhưng chủng loại giống nhau, cho nên lập chung là 1 pháp. Nhưng, vì nhân quả chứng ngộ có khác nhau nên chia ra thầy và trò. 3. Vì người thượng căn muốn chứng được quả Phật bồ đề mà nói Phật bảo; vì người trung căn cầu được trí tự nhiên để rõ suốt pháp nhân duyên mà nói Pháp bảo; vì người hạ căn nương theo thầy lãnh nhận giáo pháp, sự lí không trái mà nói Tăng bảo.4. Phật như thầy thuốc giỏi, Pháp như thuốc hay, Tăng như người khám bệnh; đối với 1 người đang có bệnh mà nói thì thầy thuốc giỏi, phương thuốc hay và người xem bệnh đều rất cần thiết, không thể thiếu một. Còn luận Du già sư địa quyển 64 thì nói Tam bảo có 6 nghĩa khác nhau: 1. Tướng khác nhau: Phật là tướng của sự giác ngộ tự nhiên, Pháp là quả tướng của sự giác ngộ, Tăng là tướng tu hành chân chính theo lời Phật chỉ dạy. 2. Việc làm khác nhau: Việc làm của Phật là giảng nói giáo pháp chân chính, việc của Pháp là diệt trừ các khổ phiền não do cảnh sở duyên tạo ra, việc của Tăng là dũng mãnh tinh tiến. 3. Tin hiểu khác nhau: Đối với Phật bảo phải có lòng tin hiểu gần gũi, phụng sự; đối với Pháp bảo phải có lòng tin mong cầu chứng ngộ; đối với Tăng bảo phải có lòng tin hiểu hòa hợp đồng nhất, cùng an trú trong pháp tính. 4. Tu hành khác nhau: Đối với Phật bảo phải tu hành chân chính, phụng thờ; đối với Pháp bảo phải tu chính hạnh phương tiện du già; đối với Tăng bảo phải tu chính hạnh cùng thụ tài pháp. 5. Tùy niệm khác nhau: Mỗi người nên tùy theo các tướng mà niệm Phật, Pháp và Tăng bảo. 6. Sinh phúc khác nhau: Đối với Phật y vào 1 hữu tình mà sinh phúc tối thắng; đối với Pháp y vào pháp này mà sinh phúc tối thắng; đối với Tăng y vào nhiều hữu tình mà sinh phúc tối thắng. Cứ theo các luận thì Tam bảo có nhiều chủng loại, phổ thông có 3 thứ: 1. Biệt tướng tam bảo(cũng gọi Giai thê tam bảo, Biệt thể tam bảo): Phật, Pháp, Tăng, mỗi mỗi đều khác nhau. Đầu tiên, Phật thành đạo ở gốc cây Bồ đề, chỉ thị hiện thân trượng sáu và khi nói kinh Hoa nghiêm thì đặc biệt hiện thân Phật Lô xá na, cho nên gọi là Phật bảo. Các kinh luật Đại thừa, Tiểu thừa do đức Phật nói trong 5 thời, gọi là Pháp bảo. Hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát nhờ tu theo giáo pháp của Phật mà chứng được quả giác ngộ, giải thoát gọi là Tăng bảo. 2. Nhất thể tam bảo(cũng gọi Đồng thể tam bảo, Đồng tướng tam bảo): Đứng về phương diện ý nghĩa và bản chất mà nói, Phật Pháp, Tăng có 3 tên gọi khác nhau nhưng thể tính chỉ là một. Chẳng hạn như đứng trên lập trường của người giác ngộ mà nói thì Phật là thể tính linh giác, soi rõ các pháp, chẳng phải không, chẳng phải có nên gọi là Phật bảo; chỉ Phật mới có đầy đủ đức hạnh làm khuôn phép cho tất cả chúng sinh, cũng tức là pháp tính vắng lặng mà có hằng sa tính đức, đều đáng làm khuôn mẫu, cho nên cũng gọi là Pháp bảo; lại như Phật là trạng thái hòa hợp, hoàn toàn không tranh đua, mà đặc chất của Tăng đoàn là hòa hợp không tranh đua, vì thế cũng gọi là Tăng bảo. Như vậy thì trong một Phật bảo mà có đủ cả Tam bảo. 3. Trụ trì tam bảo: Chỉ cho Tam bảo lưu truyền, duy trì Phật pháp ở đời sau, tức là 3 ngôi báu: Tượng Phật, kinh Phật và các tỉ khưu xuất gia. Đại thừa cho rằng 8 tướng thành đạo là Trụ trì Phật, tất cả giáo pháp làm lợi ích cho thế gian gọi là Trụ trì pháp và chúng Tam thừa được giáo hóa, thành lập là Trụ trì tăng. Ba ngôi báu này gọi chung là Trụ trì tam bảo. Ngoài ra còn có các thuyết 4 loại Tam bảo (Nhất thể Tam bảo, Duyên lí Tam bảo, Hóa tướng Tam bảo, Trụ trì Tam bảo), 6 loại Tam bảo (Đồng thể, Biệt thể, Nhất thừa, Tam thừa, Chân thực và Trụ trì)… Về tiêu biểu của Tam bảo thì Trung quốc và Nhật bản từ xưa đến nay tương đối ít dùng phù hiệu hay hình vẽ để tượng trưng Tam bảo, nhưng ở Ấn độ thì việc sử dụng phù hiệu hoặc hình vẽ để biểu thị Tam bảo tương đối phổ biến. Có 2 loại biểu hiện khác nhau: 1. Dùng hình tháp tượng trưng Phật bảo, bánh xe tượng trưng Pháp bảo và tòa Bồ đề hoặc tòa Sư tử tượng trưng Tăng bảo. 2. Vẽ hình dáng cây kích 3 chĩa để tượng trưng Tam bảo. Còn Phật giáo Tây tạng thì dùng hạt bảo châu có 3 cánh để tượng trưng Tam bảo.[X. kinh Tăng nhất a hàm Q.12; kinh Quá khứ hiện tại nhân quả Q.3; kinh Quán Vô lượng thọ; kinh Hoa nghiêm Q.18 (bản dịch mới); phẩm Cụ túc trong luận Thành thực Q.1; luận Tạp a tì đàm tâm Q.10; luận Đại tì bà sa Q.34; luận Câu xá Q.14; Đại thừa nghĩa chương Q.10]. (xt. Tam Qui Y, Tam Bảo Chương, Tứ Chủng Tam bảo).