tam ác thú

Phật Quang Đại Từ Điển

(三惡趣) Cũng gọi Tam ác đạo, Tam đồ, Tam ác.Chỉ cho địa ngục, ngã quỉ, súc sinh.1. Địa ngục: Ở dưới đất, giữa núi Thiếtvi có 8 địa ngục lạnh, 8 địa ngục nóng; những người tạo nghiệp Thập ác thượng phẩm sẽ bị đọa vào đường này.2. Ngã quỉ: Những người tạo nghiệp .Thập ác trung phẩm sẽ bị đọa vào đường này. Trong đó, người tội nặng thì nhiều kiếp không nghe thấy tên nước uống; người tội vừa thì chỉ tìm kiếm được máu mủ, phẩn dơ của người thế gian; người tội nhẹ hơn nữa thì họa huần lắm mới được 1 bữa ăn no.3. Súc sinh: Những người tạo nghiệp Thập ác hạ phẩm thì rơi vào đường này. Có loài khoác lông, đội sừng, loài có vảy có cánh, 4 chân nhiều chân, có chân không chân, bơi dưới nước, đi trên đất, bay trên không… Theo kinh Tăng nhất a hàm quyển 13, kinh Vô lượng thọ quyển thượng, kinh Phật địa… thứ tự 3 đường là địa ngục, ngã quỉ, súc sinh; còn theo kinh Pháp hoa quyển 2, kinh Đại A di đà quyển thượng, kinh Đại bát niết bàn quyển 10 (bản Bắc)… thì thứ tự là địa ngục, súc sinh, ngã quỉ. Về nỗi khổ, Phật giáo Đại thừa cho rằng súc sinh đỡ khổ hơn ngã quỉ, là vì ngã quỉ lúc nào thân hình cũng bị lửa đốt, chịu khổ rất nặng nề, cổ thì nhỏ bụng lại to, thường bị đói khát, nếu gặp dòng nước trong thì bỗng biến thành lửa cháy dữ dội; còn trong đường súc sinh thì không có các nỗi khổ này, cho nên còn tốt hơn ngã quỉ. Theo luận Du già lược toản quyển 3 thì ngã quỉ có 2 loại: Loại quỉ có phúc là do ác nghiệp hạ phẩm chiêu cảm, còn loại quỉ bạc phúc thì do ác nghiệp trung phẩm chiêu cảm.[X. kinh Tăng nhất a hàm Q.5; kinh Chính pháp niệm xứ Q.5-21; luận Tùy tướng; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.7, 13].