tầm

Phật Quang Đại Từ Điển

(尋) Phạm: Vitarka. Pàli:Vitakka. Dịch cũ: Giác. Tìm cầu, suy tính, là tên của Tâm sở, 1 trong 75 pháp do tông Câu xá thành lập, 1 trong 100 pháp do tông Duy thức lập ra. Đây là tác dụng suy xét thô sơ đối với sự lí. Luận Câu xá quyển 4 (Đại 29, 21 trung) nói: Tính thô của tâm gọi là Tầm. Luận Thành duy thức quyển 7 (Đại 31, 35 hạ) nói: Tầm nghĩa là tìm cầu, khiến tâm vội vàng, đối với ý và cảnh, thô chuyển làm tính. Tâm sở này hiện khởi ở cõi Dục và Sơ thiền, từ định Trung gian và Nhị thiền trở lên thì không, hiện khởi thông cả định, tán và vô lậu, thuộc về Bất định địa pháp. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng Tầm và Tứ đều có thể tính riêng và là nhất tâm đồng thời tương ứng; còn Kinh bộ và Đại thừa thì cho Tầm là giả pháp. Theo luận Du già sư địa quyển 5, Tầm và Tứ đều lấy một phần Tư và Tuệ làm thể, lấy các nghĩa Danh, Cú… làm sở duyên, lấy tìm cầu, dò xét làm hành tướng, phát khởi lời nói, có đầy đủ 7 thứ khác nhau như hữu tướng, vô tướng… Luận này (quyển 5) cũng bàn về sự khác nhau giữa Tầm tứ và Phân biệt, cho rằng nghĩa của Phân biệt rộng, còn Tầm tứ thì chỉ là một bộ phận trong đó mà thôi. [X. kinh Pháp lạc tỉ khưu ni trong Trung a hàm Q.58; luận Đại tì bà sa Q.43, 52; luận Du già sư địa Q.1; luận Câu xá Q.2; luận Thuận chính lí Q.11; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.1; Thành duy thức luận thuật kí Q.7, phần đầu; Du già luận kí Q.2, thượng; Câu xá luận quang kí Q.2, 4]. (xt. Tứ).