TẠI VÌ GHEN

 

Tiếng thật giả phải phân cho rõ
Chớ vội nghe lời nói ở ngoài tai tai

Thuở trước có một phu nhân nọ, từ nhỏ đến giờ một lòng tin tưởng, chuyên tâm trì niệm danh hiệu đức Quán Âm. Chồng bà là một thương gia, nên thường đi xa buôn bán.

Thỉnh thoảng, ông ta cùng những người bạn đồng sự uống rượu, vui chơi sau những chuyến đi dài mệt mỏi.

Ông thường khen vợ mình trước mặt mọi người. Ông bảo rằng:

– Nhà tôi rất đảm đang, thương chồng con hết mực. Đặc biệt là từ khi chung sống đến giờ, nhà tôi luôn tỏ ra là người đoan chánh, trong sạch, thật thà…

Có một người bạn đồng sự nghĩ:

– Anh chàng này cưng vợ ra mặt, luôn khen vợ mình là trinh tiết, khả ái. Được rồi, mình sẽ chơi lão một cú cho bõ ghét!

Một hôm, anh ta lén vào nhà bạn. Người vợ thấy khách của chồng mình liền ân cần tiếp đón rất lễ độ chứ chẳng dám coi thường.

Đang loay hoay chế nước pha trà, cung vay vái mời thì nốt ruồi son trên cánh tay lộ ra vì tay áo rộng, tức thì ông khách nhìn thấy. Thế là ông ta “copy” nốt ruồi đó vào bộ nhớ làm đề tài chọc bạn mình.

Ngày nọ, như thường lệ những người bạn làm ăn gặp nhau. Anh chàng ngộ nghĩnh ấy nói:

– Bữa trước, tôi có đến nhà anh chơi. Anh thường khen chị nhà trinh tiết, đức hạnh nhưng tôi biết trên cánh tay của chị ấy có một cái nốt ruồi son, nếu không để ý thì chắc không thấy được đâu.

– Vậy thì vợ anh trinh tiết ở điểm nào? Cứ thế mà suy thì biết vợ anh là… Anh ta ngập ngừng.

Tội nghiệp người chồng ngu si không hiểu rõ tận tường, vội vàng tin đó là sự thật. Tức thì anh chồng đỏ mày cay mắt, máu ghen sôi sục trong lòng.

Nửa đêm hôm đó, anh vác dao về nhà định chém vợ. Anh giận giữ kêu cửa:

– Mở cửa! Mau, mở cửa cho ta!

Liền khi đó có người nhà ra mở cửa, tức thì anh chém một dao vào người ấy, định chắc là nó đã chết vì trong nhà chỉ có hai vợ chồng. Mấy đứa con thì đã về nhà ngoại cả rồi.

Chém xong anh liền bỏ dao và chạy thật xa. Chạy một đoạn trong người thấm mệt, trời mờ mờ sáng. Tiếng gà trống gáy vang dội vào lòng anh xúc cảm dâng trào khó tả.

Trời còn mờ sương, cảnh vật chung quanh như chùng lại, anh ngồi phịch xuống tựa lưng vào một gốc cây suy nghĩ về những đứa con, về vợ anh, về cuộc sống bình yên hạnh phúc mà trước kia anh đã có.

Chẳng lẽ vì một chút lỗi lầm chưa chính xác mà mình phải đánh mất cả một gia đình êm ấm hay sao? Liệu vợ mình có thật như vậy không? Vợ mình chết rồi con mình sẽ ra sao? Còn mình…???

Anh suy nghĩ thật nhiều nhưng không câu hỏi nào có đáp án cả. Anh hối hận định đập đầu vào thân cây để tự tử. Vừa định như vậy thì văng vẳng đằng xa vọng lại tiếng nói của con anh, của vợ anh.

Anh vụt chạy một mạch về nhà, nhìn qua cửa sổ anh thấy vợ mình vẫn đang ở trên Phật đường niệm Quán Âm. Nghe tiếng động vợ anh ra mở cửa. Nhìn bộ dạng bơ phờ của chồng, người vợ liền hỏi:

– Chàng đi đâu mà giờ này mới về, thiếp lo quá? Sao đầu tóc rối tung thế này? Có chuyện gì vậy chàng?

Anh định nói, song người vợ tiếp lời:

– Chàng ngồi nghỉ, thiếp đi lấy khăn nóng lau mặt và pha trà cho chàng uống, chắc là chàng đói lắm phải không?

Nhìn hành động và cử chỉ ngoan hiền của vợ, anh không tin là vợ mình có thể thất tiết được. Chàng biết là mình đã bị lừa – Một cú lừa ngoạn mục!

Bỗng nhiên, chàng rùng mình khi nhớ lại lúc nãy đã tự tay chém chết vợ sao bây giờ… vừa nghĩ đến đây thì người vợ trong nhà bước ra. Anh liền hỏi:

– Lúc nãy có ai mở cửa không nàng?

– Dạ thưa không, khi nãy cửa vẫn khóa. Thiếp đợi hoài mà chẳng thấy chàng về rồi ngủ luôn trên Phật đường lúc nào không hay biết, chợt nghe tiếng động biết là chàng đã về, thiếp liền ra mở cửa mới hay trời đã canh năm. Người vợ dịu dàng đáp.

Nghe vợ nói, chàng bán tín bán nghi, không thể hiểu nổi, vì chính chàng đã tự tay chém chết người vợ của mình. Thế là chàng thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho người vợ nghe và cảm thấy có một điều gì rất lạ sau sự việc ấy.

Nói đoạn, chàng bèn nhìn thấy trên đầu tượng Quán Âm có một vết dao rõ ràng mới biết chính đức Quán Thế Âm hiện thân ra mở cửa cứu nạn cho vợ mình.

Từ đây trở đi hai vợ chồng hạnh phúc hơn xưa, gia đình luôn an vui hòa thuận, con cái hiếu thảo ngoan hiền, ngày ngày tin cần lễ bái và trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát.

Lời bàn:

Gia đình là tế bào của xã hội. Thật vậy, cuộc sống gia đình rất quan trọng trong vấn đề tồn tại và phát triển của một quốc gia. Vậy phải làm thế nào để gia đình luôn luôn hòa thuận, yên vui? Điều này rất khó mà cũng rất dễ. Vì sao?

Thứ nhất, nói là rất khó. Đó là đối với những người không hiểu biết, không am tường về cuộc sống gia đình. Hay nói đúng hơn là không chuẩn bị cho bản thân một số kiến thức cơ bản trước khi bước vào cuộc sống vợ chồng. Đó là cái khó thứ nhất. Nhưng:

– Những điều trên chúng ta có thể học được từ ông bà, cha mẹ, những người đi trước. Họ chính là bài học sống động nhất về cách sống trên đời.

– Chúng ta cũng có thể học qua thầy cô giáo, bạn bè, những người trực tiếp truyền trao cho chúng ta vốn kiến thức trong cuộc sống.

– Chúng ta cũng có thể học qua sách báo, tin đài, luật hôn nhân gia đình, những tác phẩm có giá trị về nhân cách đạo đức sống.

Cái khó thứ hai là chúng ta không thể nào chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau, chuyển hóa những định kiến sai lầm trong bản thân, những phiền não, những tâm niệm xấu ác đang ẩn chứa bên trong con người mỗi chúng ta. Và:

– Điều này không thể học qua trường lớp thế gian, không thể học qua ông bà, cha mẹ, thầy cô hay bạn bè được.

– Điều này chỉ có thể học qua tam tạng kinh điển của Phật giáo mà thôi.

Có thể bạn cho tôi nói quá, nhưng xin bạn đừng chê bai tam tạng giáo điển mà phải tội. Vì đạo Phật không bắt buộc, không nài nỉ van xin, mà đạo Phật là đạo của sự tỉnh thức, của sự tự giác. Giáo pháp của Phật là “Đến để mà thấy”.

Đức Phật đã từng nói: “Đệ tử chớ tin Ta khi nào đệ tử chưa hiểu Ta”. Điều này một lần nữa khẳng định rõ lập trường của đạo Phật từ ngàn xưa và mãi đến ngàn sau.

Trên đây là hai điều khó cơ bản mà đại đa số con người đều mắc phải. Ngược lại với hai điều trên là “dễ”. Vì sao?

– Vì, nếu chúng ta có thể xây dựng hạnh phúc gia đình dựa trên nền tảng của năm giới, (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) đặt trọn niềm tin của mình vào ba ngôi Tam bảo, (Phật, Pháp, Tăng) sống theo tinh thần vô ngã vị tha, biết thương yêu mọi người, thường xuyên niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ-tát lấy đó làm chất liệu chuyển hóa khổ đau, ngăn ngừa tính xấu và phát triển hạnh lành.

Có thể bạn cho rằng những điều trên chỉ dành cho người Phật tử còn người không phải Phật tử thì không thể thực hành được. Bạn nói đúng nhưng không trúng. Bởi lẽ trên nguyên tắc chỉ có người Phật tử đã quy y Tam bảo mới thực hành năm giới. Tuy nhiên đạo Phật vẫn có thể phương tiện áp dụng cho những người vốn dĩ không phải là Phật tử. Những người này vẫn có thể thực hành năm giới, sống theo tinh thần đạo Phật nếu họ thấy điều đó mang đến cho họ an lạc và hạnh phúc.

Trở lại câu chuyện trên, chúng ta thấy người chồng do không biết phân định đâu là đúng đâu là sai, đâu là lời nói thật đâu là lời nói đùa, không tin tưởng vợ mình, không kiểm chứng rõ ràng trong từng lời nói, cả tin nóng giận nên mới gây nên tác tệ như vậy.

Song nếu người chồng có thực hành chánh niệm, sống theo lời dạy của Phật thì mọi việc sẽ tốt hơn nhiều. Nghĩa là biết nhẫn nhịn để quán xét sự việc, biết thực tập lắng nghe để chuyển hóa khổ đau từ đó mới có thể giải tỏa được nghi vấn trong lòng.

Cho nên: “Hạnh phúc hay đau khổ, chẳng phải do trời ban, mà do tâm ta tạo”. Tâm làm chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác tất cả. Vì vậy, phải thường xuyên nuôi dưỡng “tâm” bằng thức ăn của sự tỉnh giác và chánh niệm.

Các bạn ạ! Hạnh phúc chỉ nằm trong tầm tay chứ không phải nơi nào xa xạ. Biết sống, biết nghĩ, biết làm đúng chánh pháp, đúng nhân quả thì tất nhiên cuộc sống sẽ bình yên, hòa thuận.

Người người đều biết như vậy, nhà nhà đều biết như vậy chắc chắn thế giới sẽ hòa bình, hạnh phúc mãi mãi.

Trích: Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm