tại tâm tại duyên tại quyết định

Phật Quang Đại Từ Điển

(在心在緣在决定) Gọi chung: Tam tại. Nhận xét theo nghĩa Tâm, Duyên và Quyết định thì thuyết chủ trương người phạm các tội ngũ nghịch, thập ác chỉ nhờ công đức của 10 niệm lúc lâm chung cũng được vãng sinh, là chủ trương hoàn toàn không trái với lí nghiệp đạo. Theo kinh Quán Vô lượng thọ nói thì người tạo tội ngũ nghịch, thập ác, nếu lúc lâm chung, dốc một lòng xưng niệm danh hiệu của đức Phật A di đà, 10 niệm liên tục không gián đoạn thì được sinh về thế giới Cực lạc. Nhưng nghiệp ngũ nghịch, thập ác là nặng, nghiệp 10 niệm là nhẹ, thế thì trái lí nghiệp đạo, như cái cân sẽ nghiêng về bên nặng, cho nên vãng sinh luận chú quyển thượng mới dùng 3 nghĩa, Tại tâm, Tại duyên, Tại quyết định để so sánh sự nặng nhẹ giữa ngũ nghịch, thập ác và 10 niệm để nêu tỏ lí tội nghiệp là nhẹ mà công đức niệm Phật là nặng, nên được vãng sinh. 1. Tại tâm: Đây là căn cứ vào tính hư thực của tâm năng tạo mà so sánh sự nặng nhẹ. Nghĩa là người ác dùng tâm hư vọng điên đảo để tạo tội ngũ nghịch, còn 10 niệm là người nghe công đức chân thực của Phật, phát khởi tịnh tín mà xưng danh, có khả năng chiếu phá bóng tối vô minh. 2. Tại duyên: Đây là dựa vào sự chân vọng của đối cảnh để so sánh nặng nhẹ. Nghĩa là người tạo ác lấy chúng sinh phiền não hư vọng làm đối cảnh sở duyên, còn 10 niệm thì duyên theo danh hiệu có công đức chân thực của Phật A di đà mà khởi. 3. Tại quyết định: Đây là căn cứ vào tính chất chậm mau lúc gây nghiệp mà so sánh. Người làm điều ác là gây nghiệp lúc bình thường, cho nên sau khi làm ác còn có tâm thiện, vô kí xen kẽ liên tục khởi lên; còn 10 niệm thì niệm lúc hấp hối bức thiết, không có niệm nào khác xen lẫn, nên tâm thiện tu niệm cực kì mạnh mẽ, vì vô hậu tâm, vô gián tâm nối nhau không xen hở, cho nên ngay đó quyết định vãng sinh. Tóm lại, sức mạnh của 10 niệm lúc hấp hối có công năng diệt trừ mọi tội lỗi, nhờ thế nên những người tạo các nghiệp Ngũ nghịch, Thập ác, mới được vãng sinh Tịnh độ.[X. An lạc tập Q.thượng; luận Tịnh độ thập nghi].