Tai-lô-pa

Từ điển Đạo Uyển


S: tilopa, tailopa; Một trong những vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahā-siddha) và là người đầu tiên truyền phép Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā). Sư là người thống nhất các phép tu Tan-tra của Ấn Ðộ và truyền cho đệ tử là Na-rô-pa (t: nāropa). Dưới tên Na-rô-pa (Na-rô lục pháp; t: nāro chodrug), giáo pháp này được truyền bá rộng rãi tại Tây Tạng và đóng vai trò quan trọng trong phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa). Tên “Tai-lô-pa” có nghĩa là “người làm dầu mè” vì Sư từng ép dầu mè kiếm sống. Tai-lô-pa là vị Ðạo sư (s: guru; xem A-xà-lê) đầu tiên được biết đến trong lịch sử Phật giáo: không phải là một Pháp sư (người tinh thông và thuyết giảng Tam tạng), không phải là Luận sư (người chuyên tranh luận và viết luận) mà chỉ là một người siêng năng tu tập, thực hành Phật pháp. Với Tai-lô-pa, trong lịch sử Phật giáo xuất hiện một hạng Ðạo sư mới. H 50: Tai-lô-pa (tilopa) Sư sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại Śāliputra (Hoa Thị thành?). Mặc dù Long Thụ được xem là thầy của Sư nhưng Sư không theo tông phái nào, chỉ thí nghiệm nhiều phương pháp tu mật và trong lúc nhập định, Sư chứng kiến được các vị Không hành nữ (s: ḍākinī) và A-đề Phật, ngộ sự nhất thể của mình với họ. Hộ Thần (s: sādhita) của Sư là Cha-kra sam-va-ra (s: cakrasaṃvara). Về cuộc đời giáo hoá của Sư sau đó thì có nhiều tài liệu khác nhau. Tương truyền rằng, Sư trụ trì tại một tịnh viện tại Odantaputra và nơi đây Sư truyền pháp lại cho Na-rô-pa. Phật tử Tây Tạng rất tôn thờ Sư, mặc dù Sư không bao giờ bước chân đến đây. Ðại tạng của Tây Tạng còn giữ lại chín tác phẩm của Sư và dòng Ca-nhĩ-cư (kagyupa) xem Sư là Sơ tổ. Trong hệ thống 84 vị Ma-ha Tất-đạt Ấn Ðộ, Tai-lô-pa là Ðạo sư của nhà vua xứ Viṣṇunagara. Ngày nọ, bỗng nhiên Sư cảm nhận cuộc đời vô thường, vô vị và ngay tối hôm đó lẳng lặng ra đi về miền Nam. Sư được môn đệ là Na-rô-pa tận lòng phục vụ. Sau mười năm tu tập, Sư đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa. Tranh tượng hay trình bày Sư tay không bắt cá. Kệ tụng của Sư như sau: Chim đậu núi Tu-di, hầu như làm bằng vàng. Thánh nhân, kẻ đã biết, tất cả đều khả dĩ, bỏ thế gian vật chất, bám đậu vào đất Phật.