tác ý

Phật Quang Đại Từ Điển

(作意) Phạm: Manaskàra, Manasi-Kàra hoặc Mana#-kàra. Tên của tâm sở(tác dụng của tâm). Tức tâm ý đột nhiên cảnh giác, chuyên chú vào 1 chỗ nào đó để sinh khởi hoạt động, là 1 trong 75 pháp của Câu xá, 1 trong 100 pháp của Duy thức, 1 trong các Đại địa pháp của Hữu bộ, 1 trong 5 Biến hành của tông Pháp tướng. Luận Câu xá quyển 7 chia Tác ý làm 3 thứ: Tự tướng tác ý, Cộng tướng tác ý và Thắng giải tác ý. 1. Tự tướng tác ý: Khi quán xét 1 vật nào đó thì chỉ thấy tướng riêng của vật ấy thôi. Như quán sắc thì thấy tướng biến đổi và chất ngại. 2. Cộng tướng tác ý: Khi quán pháp Tứ đế thì thấy 16 hành tướng là tướng chung của các pháp. 3. Thắng giải tác ý: Tức khi quán tưởng các pháp bất tịnh, sinh khởi tác ý thù thắng. Ở cõi Dục có 3 thứ tác ý là Văn sở thành, Tư sở thành và Sinh sở đắc; cõi Sắc có 3 thứ tác ý là Văn sở thành, Tu sở Thành và Sinh sở đắc; còn cõi Vô sắc thì chỉ có 2 thứ tác ý là Tu sở thành và Sinh sở đắc. Theo luận Du già sư địa quyển 33, nếu các vị Du già sư muốn lìa dục ở cõi Dục mà siêng tu quán hạnh thì phải qua 7 thứ tác ý mới có thể lìa được dục, đó là: Liễu tướng, thắng giải, viễn li, nhiếp lạc, quán sát, gia hạnh cứu cánh và gia hạnh cứu cánh quả. Ngoài ra, Đại thừa trang nghiêm kinh luận quyển 7 cho rằng sau khi sinh khởi 6 tâm căn bản… thì kế đó sinh khởi 11 thứ tác ý như hữu giác hữu quán, vô giác hữu quán, vô giác vô quán… Luận Lục môn giáo thụ tập định thì nêu 4 thứ tác ý như Lệ lực hà phụ tác ý, Hữu gián hà phụ tác ý… Luận Hiển dương thánh giáo quyển 3 cho rằng tu vô lượng Tam ma địa môn sẽ sinh khởi 5 thứ tác ý như Hữu tình vô lượng tác ý, Thế giới vô lượng tác ý… Ngoài ra, duyên theo 7 thứ Biến mãn chân như thì sẽ sinh khởi 7 thứ tác ý như Lưu chuyển chân như tác ý, Thực tướng chân như tác ý… [X. luận Thành duy thức Q.3; luận Đại tì bà sa Q.13, 16; luận Du già sư địa Q.3; luận Hiển dương thánh giáo Q.1]. (xt. Tam Chủng Tác Ý).