tác nghiệp

Phật Quang Đại Từ Điển

(作業) Phạm: Karman. I. Tác Nghiệp. Gọi đủ: Cố tác nghiệp. Cũng gọi: Cố tư nghiệp. Chỉ cho Tư nghiệp hoặc thân nghiệp, ngữ nghiệp do Tư khởi lên. Luận Du già sư địa quyển 9 (Đại 30, 319 trung) nói: Tác nghiệp tức là Tư nghiệp, hoặc thân nghiệp, ngữ nghiệp do Tư sinh khởi. Bất tác nghiệp là Bất tư nghiệp, hoặc thân nghiệp, ngữ nghiệp không do Tư sinh khởi. Du già luận kí quyển 3 thượng, giải thích rằng Tác nghiệp chỉ cho nghiệp do tâm phân biệt tạo ra, hoặc do tâm tỉnh ngộ tạo ra. [X. Lược thuật pháp tướng nghĩa Q.trung]. (xt. Cố Tư Nghiệp). II. Tác Nghiệp. Gọi đủ: Tạo tác nghiệp. Chỉ cho Bất tăng trưởng nghiệp trong Cố tác nghiệp. Có 10 Bất tăng trưởng nghiệp: Nghiệp được tạo ra trong giấc mộng, vì không biết mà tạo nghiệp(vô tâm), không cố ý tạo nghiệp, tạo nghiệp không vì lợi, tạo nghiệp lúc tâm trí cuồng loạn, tạo nghiệp khi mất ý niệm, tạo không phải vì ham muốn, bản chất nghiệp được tạo là vô kí, nghiệp vì ăn năn đã bị tổn và nghiệp vì đối trị đã bị tổn. Trừ 10 thứ nghiệp này(nghiệp không thêm lớn), còn các nghiệp khác gọi là Tăng trưởng nghiệp (nghiệp thêm lớn). [X. kinh Đại bát niết bàn Q.36 (bản Bắc); luận Đại tì bà sa Q.119; luận Du già sư địa Q.9, 60; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.7; luận Câu xá Q.18; Câu xá luận quang kí Q.18]. (xt. Tăng Trưởng Nghiệp). III. Tác Nghiệp. Chỉ cho hành nghiệp tạo tác là phương pháp tu hành để đạt đến an tâm, khởi hành trong tông Tịnh độ, tức là phương pháp Tứ tu: Cung kính tu, Vô dư tu, Vô gián tu, và Trường thời tu. Bởi vì an tâm dễ trở lui, mà khởi hành cũng khó tiếp tục, cho nên thực hành pháp Tứ tu để khích lệ tâm hạnh; mong chóng được vãng sinh. [X. Vãng sinh lễ tán]. (xt. Tứ Tu).