tả kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(寫經) Biên chép kinh Phật. Việc này bắt đầu vào khoảng thế kỉ II, I trước Tây lịch, tức thời đại Phật giáo sơ kì ở Ấn độ. Lúc bấy giờ, các bộ phái Tiểu thừa đều theo phương thức khẩu tụng để truyền thừa Phật pháp, còn Đại thừa thì chú trọng việc viết chép; trong đó, Ấn độ dùng tiếng Phạm, các nước Tây vực dùng cả tiếng hạm, tiếng Hồ, Tích lan thì chuyên dùng tiếngPàli. Trong kinh điển Đại thừa thường có lời văn tán thán công đức viết chép kinh, như Pháp hoa văn cú quyển 8 cho rằng Thư tả pháp sư có công đức thù thắng nhất trong 5 hạng Pháp sư. Tóm lại, khi mà nghệ thuật ấn loát vẫn chưa phát triển thì việc tả kinh thực sự có ý nghĩa và công đức rất lớn trong việc hoằng truyền lưu thông kinh pháp. Về nguyên liệu để chép kinh, thời kì đầu sử dụng lá bối đa la, về sau dần dần có lụa trắng, vàng lá, vỏ cây hòe, vỏ cây hoa, lụa tre, giấy… Trong các di phẩm tả kinh, có những mảnh kinh kệ đứt rách, đào thấy ở Vu điền thuộc miền Trung á, được viết bằng mực trên vỏ cây hoa. Ngoài ra cũng có dấu vết cho thấy kinh điển được viết chép trên những miếng vàng mỏng, đồng mỏng. Trong các bản kinh chép tay xưa, loại thường thấy nhất là lá bối, như những nguyên điển tiếng Phạm hiện còn. Còn những bản chép tay muộn hơn, thì được viết trên giấy. Ngoài ra, dụng cụ để viết chép thì có mực, bút, gai… Ở Trung Quốc, từ đời Đông Hán, song song với việc bắt đầu phiên dịch kinh Phật là việc dùng bút mực biên chép kinh điển, như những văn kinh phiên dịch phần lớn được biên chép ngay. Về sau, vì có nhu cầu thỉnh kinh hoặc lưu truyền nên tiếp tục biên chép lại văn dịch, do đó, phong khí tả kinh rất thịnh hành. Đến các đời Tùy, Đường phong khí này càng phổ biến. Nhưng, từ cuối đời Đường đến đầu đời Tống trở đi, vì nghệ thuật ấn loát phát triển mạnh, đưa đến việc lưu hành bản in Đại tạng kinh thì phong khí tả kinh bắt đầu suy đồi. Hiện nay còn rất nhiều di phẩm tả kinh, trong đó, bản xưa nhất là kinh Thí dụ 1 quyển đào được ở Đôn hoàng, được biên chép vào niên hiệu Cam lộ năm đầu (265) đời Tào Ngụy. Ngoài ra, như các mảnh đứt rách còn sót lại của kinh Chư Phật yếu tập quyển hạ, do đội thám hiểm Đại cốc của Nhật bản từ Trung quốc mang về, niên đại biên chép được suy định là năm Nguyên khang thứ 6 (296) đời Tây Tấn, cũng là 1 di phẩm tả kinh nổi tiếng của Trung quốc. Về hình thức, các bản kinh chép tay của Trung quốc được làm theo kiểu cuộn tròn có trục cốt bên trong, tức là Quyển tử bản, mỗi hàng 15 đến 22 chữ, trên, dưới và giữa các hàng đều được cách ngăn bằng 1 đường mực mờ nhạt. Về thể chữ, vào thời Lục triều, kinh sách thường được viết theo 1 thể chữ gọi là Lục triều thể (như Lệ thư, Bát phần thư)…; đến đời Tùy đại khái được thống nhất bằng kiểu chữ Khải, đồng thời qui định đường ngăn và số chữ. Đời sau viết mỗi hàng 17 chữ chính là theo tiêu chuẩn được qui định ở thời Tùy. Ở Nhật bản, cách viết kinh đại khái cũng mô phỏng theo phương thức của Trung quốc. Vào thời Nại lương, ngoài sở tả kinh do triều đình