suất đô bà

Phật Quang Đại Từ Điển

(率都婆) Phạn: Stùpa. Pàli: Thùpa. Cũng gọi Tốt đô bà, Tốt đổ ba, Tẩu đẩu bà. Gọi tắt: Tháp bà, Đâu bà, Phù đồ, Tháp. Suất đô bà vốn là kiểu mộ tháp ở Ấn độ đời xưa có hình dáng giống như cái bánh hỏi (bánh ú). Sau khi đức Phật nhập diệt, Suất đô bà ngoài ý nghĩa phần mộ ra còn mang tính chất là vật kỉ niệm, nhất là những ngôi tháp cấu trúc bằng gạch nung được xây dựng vào thời vương triều Khổng tước, trong đó có an trí di cốt, vật dụng, tóc… của đức Phật, thì Suất đô bà dần dần đã trở thành tiêu xí của Thánh địa và kiến trúc trang nghiêm chùa viện. Về sau, tháp được dùng làm trung tâm điểm để vận động tân hưng Phật giáo, từ đó phát triển thành Phật giáo đại thừa. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, tháp và kim đường đều được xếp vào hàng các kiến trúc quan trọng, được dùng để an trí xá lợi Phật, tượng trưng cho chùa viện. Phần tướng luân ở phía trên cùng của tháp 3 tầng hoặc 5 tầng, vẫn còn giữ nguyên phong cách Ấn độ. Còn có tập quán dùng 1 thanh gỗ nhỏ và dài làm thành hình tháp, dựng bên cạnh mộ để truy tiến người chết. Loại tháp bằng gỗ này được gọi là Suất đô bà, Tháp bà, còn tháp kiến trúc thì chỉ gọi là tháp để dễ phân biệt. Những kinh văn được viết chép trên loại tháp bằng gỗ, gọi là Suất đô bà kinh. Trong Mật Giáo, đặc biệt thiết lập ngôi tháp hình ngũ luân (5 yếu tố) để làm tiêu xí của đức Đại Nhật Như Lai. Đây là căn cứ vào tư tưởng ngũ luân, tức hết thảy muôn pháp đều do 5 yếu tố đất, nước, lửa, gió, hư không tạo thành, nhờ đó mà có nhục thân và ngay nơi nhục thân ấy là thân Phật. Ngoài ra, tượng Phật, Bồ tát trong Mật giáo, có các vị dùng tháp làm hình Tam muội da, hoặc làm vật cầm. (xt. Tháp).