sư tử

Phật Quang Đại Từ Điển

(師子) I. Sư Tử. Phạn: Siôha. Pàli: Sìha. Sư tử là chúa của trăm loài thú, cho nên trong các kinh, luận nó thường được dùng để ví dụ cho đức vô úy và tính vĩ đại của đức Phật. Lại như tòa ngồi của Phật gọi là tòa Sư tử, Phật nói pháp gọi là Sư tử hống. II. Sư Tử (?-259). Phạn, Pàli: Siôha. Cũng gọi Sư tử Tỳ khưu, Sư tử bồ đề. Vị Tổ thứ 24 trong 28 vị Tổ truyền thừa của hệ phổ Thiền tông Ấn Độ. Ngài là người Trung Ấn Độ, xuất thân từ dòng Bà la môn. Sau khi được Tổ Hạc lặc na truyền pháp cho, ngài đến nước Kế tân, giáo hóa các vị Ba lợi ca, Đạt ma đạt…, đồng thời, truyền pháp cho Bà xá tư đa và sai vị này qua Nam Thiên trúc giáo hóa, còn ngài một mình ở lại nước Kế tân. Bấy giờ gặp lúc nhà vua xứ ấy bách hại Phật giáo, ngài bị ác vương giết chết vào năm 259. [X. Phó pháp tạng nhân duyên truyện Q.6; Cảnh đức truyền đăng lục Q.2; Bảo lâm truyện Q.5].