sự luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(事論) Đối lại: Lí luận. Luận thuyết bàn rõ về các sự tướng sai biệt trong vũ trụ, tức làVũ trụ luận tìm hiểu xem vạn pháp trong vũ trụ sinh khởi như thế nào à các hiện tượng sai biệt hiển hiện như thế nào. Trong giáo lí Phật giáo, đối với 2 nghĩa Sự và Lí, cũng như sự sinh khởi của vạn pháp, thì các tông phái đều có luận thuyết khác nhau. 1. Tông Câu xá: Dùng nghiệp lực để thuyết minh sự sinh khởi của vạn pháp trong vũ trụ (Nghiệp cảm duyên khởi); rồi trong vạn pháp thì lấy các hiện tượng hư vọng làm Sự và lấy Tứ đế khổ, tập, diệt, đạo làm Lí. 2. Tông Duy thức: Chủ trương chủng tử của tất cả các pháp đều hàm chứa trong thức A lại da thứ 8 của con người, đã biến hiện ra muôn tượng sum la, đây chính là chủ trương Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức (A lại da duyên khởi); rồi trong vạn pháp thì cái nương vào duyên khác mà sinh khởi là Sự, còn chân như vốn tự viên thành như thực là Lí. 3. Luận Đại thừa khởi tín: Chủ trương bản thể (chân như) của tâm siêu việt hiện tượng là nguyên nhânthứ nhất của muôn pháp trong vũ trụ (Chân như duyên khởi); vì chân như là cái chẳng sinh chẳng diệt và tuyệt đối bình đẳng nên nói Sự tức Lí, Lí tức Sự, chỉ do nhiễm tịnh mê ngộ khác nhau mà có thuyết Tâm chân như môn và Tâm sinh diệt môn, tuy nhiên, 2 môn này chẳng phải một, chẳng phải khác, không có thể tính riêng. 4. Tông Hoa Nghiêm: Chủ trương từ thực thể của chân như khai phát ra vạn pháp trong vũ trụ, lại từ chân như bình đẳng mà biến hiện ra muôn ngàn hiện tượng sai biệt (Pháp giới duyên khởi), trong đó, các pháp duyên khởi sai biệt là Sự,lí tính chân như bình đẳng là Lí. Nhưng, Duyên khởi quan của tông Hoa Nghiêm có 2 điểm đặc biệt khác với thuyết Duyên khởi của các tông khác là: a) Mỗi một pháp của các pháp trong pháp giới đều là thực thể, mà thực thể của muôn tượng cũng đều là hiện tượng, 1 tức hết thảy, hết thảy tức 1, nêu 1 vật thì gồm thu tất cả vật, 1 hạt bụi là chủ thì các pháp là bạn, tương tức tương nhập, giao thoa, dung hợp tự tại, làm chủ, bạn lẫn nhau, nhân duyên, sự sự vô ngại, trùng trùng vô tận. b) Duyên khởi trong giáo nghĩa Hoa Nghiêmđặc biệt gọi là pháp môn Tính khởi, nghĩa là sự sinh khởi của các pháp là duyên khởi từ pháp tính, không nương vào duyên khác, chẳng phải như nhân duyên hoặc nghiệp của Câu xá, Sự tướng sai biệt thức của Duy thức, Chân như vô minh duyên sinh luận của luận Khởi tín, mà chính là học thuyết Tính khởi, tức là muôn pháp từ thể tính hiện khởi,chứ khôngcần chờ đợi các nhân duyên khởi, toàn thể tức dụng, pháp tính của chân như 1 khi khởi động thì liền hiện ngay tác dụng, biến thành các pháp mê và ngộ, tình và phi tình… trùm khắp 10 phương, xuyên suốt 3 đời. 5. Mật giáo: Chủ trương Tì lô giá na (Đại nhật Như lai) là nguồn gốc của vũ trụ, thực thể của vạn hữu, mà thể của Tì lô giá na thì tức là 6 đại: Đất, nước, lửa, gió, không, thức; 6 đại tức là thân Phật, thân Phật tức là 6 đại (Lục đại duyên khởi); đồng thời cho rằng trong vũ trụ vạn hữu do 6 đại tùy duyên khởi động mà thành thì pháp hữu vi do nhân duyên sinh là Sự, còn pháp vô vi không sinh không diệt là Lí. (xt. Sự Lý).