sự lí

Phật Quang Đại Từ Điển

(事理) Cũng gọi Lýsự. Sự là sự tướng, sự pháp; Lý là chân lí, lí tính. Trong Phật giáo, ý nghĩa tương đối giữa Sự và Lýcó 2: 1. Sự tướng mà phàm phu thấy được do mê tình, gọi là Sự; Chân lí mà bậc Thánh thấu suốt nhờ trí kiến, gọi là Lí.Chân lí ở đây tùy theo lập trường của các tông phái mà có khác, hoặc chỉ cho lí Tứ đế, hoặc chỉ cho lí Chân không, hoặc chỉ cho lí Trung đạo. 2. Sự pháp sai biệt của các hiện tượng, gọi là Sự; bản thể bình đẳng vô sai biệt của các hiện tượng, gọi là Lí. Về mối quan hệ giữa Sự của hiện tượng và Lí của bản thể, các tông phái lập thuyết có khác nhau: 1. Theo luận Câu xá quyển 25: Bốn đế khổ, tập, diệt, đạo, là Lí, hiện tượng hư vọng là Sự. Kiến hoặc do mê lí mà sinh khởi nên phải y theo vô sự mà tu, Tư hoặc thì do mê các hiện tượng thô tạp mà khởi nên phải y theo hữu sự mà tu. Cùng luận đã dẫn quyển 6, gọi Vô vi pháp là Vô sự, gọi Hữu vi pháp là Hữu sự; đồng thời, chia Sự tướng làm 5 loại: Tự tính, Sở duyên, Hệ phược, Sở nhân, Sở nhiếp. 2. Theo tông Duy thức: Sự là các sự pháp nương vào cái khác mà sinh khởi, còn Lí là chân như vốn tự viên thành như thực; giữa Sự và Lí có mối quan hệ bất tức bất li. Sự khác nhau giữa Sự và Lí chẳng qua là do hữu vi và vô vi bất đồng, cho nên nói Sự lí bất tức (không phải 1 thể); còn lí chân như thì tự thể của nó tuy lặng lẽ chẳng động, nhưng lại có thể liên tục phát sinh các hiện tượng và thực thể làm chỗ nương tựa cho các sự pháp, nên nói Sự lí bất li (ngoài pháp này không có pháp nào khác). 3. Theo luận Đại thừa khởi tín: Chân như (Lí) tùy duyên mà triển khai ra hiện tượng vạn pháp (Sự), do đó mà Sự tức Lí, Lí tức Sự. 4. Theo tông Hoa nghiêm: Các pháp duyên khởi sai biệt là Sự, lí tính chân như bình đẳng là Lí, Lí và Sự dung hợp nhau không ngăn ngại; là Lí sự vô ngạipháp giới trong 4 Pháp giới; là Lí sự vô ngại quán trong 3 lớp Quán môn. 5. Theo tông Thiên thai: Sự và Lí tương đương với Bản môn và Tích môn của kinh Pháp Hoa, Sự của tục đế thuộc Tích môn; Lí của chân đế thuộc Bản môn. Nếu phối hợp với 4 giáo hóa pháp, thì Tạng giáo là giới nội Sự giáo, Thông giáo là giới nội Lí giáo, Biệt giáo là giới ngoại Sự giáo, Viên giáo là giới ngoại Lí giáo. Ngoài ra, y cứ vào sự khác nhau giữa Sự và Lí này, tông Thiên thai còn chia Quán làm Sự quán và Lí quán, chia Hoặc làm Mê sự hoặc và Mê lí hoặc, chia Sám hối làm Sự sám và Lí sám. Lại nữa, theo nghĩa Tính cụ của tông Thiên thai thì ba nghìn các pháp trong 10 giới đều là tính cụ, chứ không phải nương vào nhân duyên mà sinh, vì thế cũng là pháp chân như thường trụ. 6. Theo thuyết của Mật giáo: Các pháp hữu vi do nhân duyên sinh là Sự, pháp vô vi bất sinh bất diệt là Lí. Lí là giữ lấy, nghĩa là tất cả sự tướng hữu vi, mỗi mỗi đều giữ lấy thể của nó, tức là Lí; thể của nó là 6 đại: Đất, nước, lửa, gió, không, thức, gọi là Lục đại pháp giới. Nói tóm lại, Sự chỉ cho thế giới mê lầm; Lí chỉ cho thế giới giác ngộ. Trong sự phát triển của các loại tư tưởng giáo lí từ xưa đến nay, nếu xem trọng Lí hơn, thì tư tưởng tương tức của sự lí thịnh hơn; còn nếu từ việc thực hiện đầy đủ chân lí mà đặc biệt coi trọng hiện thực, thì địa vị của Sự càng quan trọng hơn, ngay nơi Sự là chân, một niệm ba nghìn là những dụng ngữ nói rõ loại hiện tượng này. [X. Hoa nghiêm ngũ giáo chỉ quán; luận Bảo tạng; Ma ha chỉ quán Q.2, phần đầu; Đại thừa huyền luận Q.4; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1, phần cuối; Hoa nghiêm pháp giới quán môn; Vạn thiện đồng qui tập Q.3; Tô tất địa kinh sớ Q.1; Bách pháp vấn đáp sao Q.4]. (xt. Sự Luận).