Sông Sau Nhà
Ni sư Như Đức

 

Người có dừng chân trên bến sông
Bên kia đồi cỏ núi mây trùng
Bên này chim rủ nhau về hội
Cùng hẹn hò thăm chuối trổ bông.

Thơ Tuệ Đăng

Con sông, cũng có nhiều điều để nói. Dòng nước chảy triền miên bên hai bờ làng xóm đã là một dấu ấn quen thuộc, lúc tuổi vừa biết đi học.

Những bé ngoan đứng đợi chuyến sang đò
Cười rực rỡ trong ánh hồng chang chói.

Tuệ Đăng

Sông Chạy Ngang Trường

Con sông chảy bên kia trường học bé
Hàng giậu xinh lủng lẳng tuổi hoa đèn.

Tuệ Đăng

Qua Đình Làng

Con sông chảy ra đình xem triển lãm
Hí trường kia đào kép nhỏ xuênh xoang.

Tuệ Đăng

Dòng sông như dòng đời rủ người đi, đưa người về. Sông không bao giờ như một, cuộc đời chẳng bao giờ lặp lại điệp khúc của nó. Nên nhìn dòng sông chảy, người ta thường bâng khuâng.

Từng phiến chiều
trôi trên nhánh sông
Mang theo ngày tháng
cuốn xuôi dòng
Thuyền ai
chở nắng về phương cũ
Để lại
mù sương
chiếc bóng không.

(Thơ Thân Thị Ngọc Quế)

Khi xa nhà con sông vẫn chảy hoài trong tâm tưởng, thành một cõi quê hương để gởi nhớ.

Vần thơ
hiện một dòng sông
Có thuyền mây chở
nỗi lòng hoài hương
Quê nhà
từ độ gió sương
Ai chia dòng nước
mấy đường trăng khơi.

(Thân Thị Ngọc Quế)

Đầu năm nay, Ngọc Dưỡng gởi thơ về thăm chúng tôi, viết: “Năm nay tụi con đón xuân ở Mỹ. Con nhớ đến những mùa xuân ở Việt Nam, nhớ con đường làng, nhớ dòng sông quê hương. Con thích ngắm dòng sông sau nhà con vào buổi sáng mùng một. Hôm đó nước sông lên cao hơn mọi ngày. Nước thật trong, mặt sông êm ả. Hai bên bờ sông là đường làng, ồ, những đứa trẻ mặc áo đủ màu sắc kéo nhau đi…”

Tôi cũng có một dòng sông để nhớ về. Sông chạy ngang chùa Vĩnh Bửu, nơi Thầy tôi dắt tôi về quy y năm tôi mười tuổi. Đứa nhỏ sanh trưởng ở miền biển như tôi, đi học ở thành phố, lần đầu tiên được biết miền vườn, miền sông nước phía Tây. Chùa Vĩnh Bửu, khi Thầy tôi trụ trì, còn có dấu tích lớp gia giáo cho Ni chúng, do Sư ông Khánh Hòa hướng dẫn. Thầy tôi thường kể lớp quý Sư bà hồi đó, mặc áo dài bằng vải ú màu đen, cổ kiềng, vạt ngắn tới đầu gối, chúng tôi nghe như nghe chuyện cổ tích. Mà cũng cổ tích thật sự, vì những năm trước 45 tôi chưa có mặt.

Chùa Vĩnh Bửu một thời là nơi tụ hội của huynh đệ tôi, vào dịp giỗ Sư ông, hay theo Thầy về thăm chùa. Đò Đại Đức đi từ Bến Tre xuống chợ Thơm, gần đến chùa, Thầy tôi ra đứng trước mũi đò, chúng tôi đứng chung quanh chỉ trỏ, vui như con nít theo mẹ về quê. Vào chùa, mạnh người nào người nấy lội vườn, bẻ dừa, hái bưởi, hái xoài. Rủ nhau mượn xuồng tập chèo, người lái người mũi, ra giữa dòng cạy bên này chống bên kia, xuồng lúng túng quay vòng tròn, la nhau ơi ới. Bổn đạo bên chợ, trong xóm, ban ngày bận ruộng rẫy, tối đến đốt đuốc lá dừa đi thăm Thầy, cười nói như Tết. Buổi khuya dậy công phu, nghe tiếng máy nổ xình xịch trên sông, người ta chở hàng lên chợ, đò Trà Vinh đi ngang… Nước sông đục, gần bờ là thiên hạ tắm rửa giặt giũ, gánh đôi thùng ra xa bờ hơn, múc nước về chùa đổ vào lu, quậy một lượt phèn cho nước lóng trong. Chùa có hồ chứa nước mưa, nhưng hình như nước sông ngọt hơn. Huynh đệ nào chưa quen với phong cách miền Tây, sẽ đòi chở ra giữa sông, để nhúng một cái khăn lau mặt!

Từ khi Thầy tôi mất, những chuyến đi về Vĩnh Bửu thưa dần. Trong tôi vẫn hoài một nỗi nhớ chùa xưa, sông xưa. Huynh đệ mỗi người bận một việc riêng, có người nhiều đệ tử, có người vẫn chưa có một nơi thờ Thầy. Thầy tôi có một cõi riêng của Người, chúng tôi giữ nó, phong kín. Cho đến nay mười năm, tôi chưa một lần viết bài tưởng niệm, cứ để dòng sông mang mình qua các nơi xa lạ. Chỉ tưởng rằng, một lần quay về tắm mát nơi bến xưa, chùa xưa, ngồi bên ngôi tháp của Thầy, để tự nhủ thầm:

Người có nghe con sông còn nhắn nhủ
Lời vô ngôn quá đủ để hàm dung
Rằng đến đi rũ sạch nợ phiêu bồng
Dù biết lắm đại dương nào chả rộng.

Thơ Tuệ Đăng