sơn phục

Phật Quang Đại Từ Điển

(山伏) Cũng gọi Sơn Ngọa, Tu Nghiệm giả, Nghiệm giả, Hành giả. Từ ngữ gọi vị hành giả thuộc phái Tu nghiệm đạo ở Nhật Bản. Phục Sơn có nghĩa là vào núi báu Pháp tính chân như, hàng phục vô minh phiền não. Là người ở trong núi hoang vắng, tu luyện khổ hạnh, được pháp thần nghiệm nhiệm mầu. Tùy theo trình độ tu hành mà Sơn phục có các cấp bậc khác nhau như: Đại tiên đạt, Chính tiên đạt, Tam tăng kì, Nhị tăng kì, Nhất tăng kì… Về mặt hình thức, Sơn phục có 2 hạng: Người để tóc có vợ con và tăng cạo tóc thanh tịnh.Người để tóc và cạo tóc khác nhau nên chia làm 3 loại: Pháp thân hình, Báo thân hình và Ứng thân hình. 1. Pháp thân hình(cũng gọi Hạ sơn phục): Chỉ cho Ưu bà tắc, hình thức bề ngoài giống người thế tục. 2. Báo thân hình (cũng gọi là Trích sơn phục): Người để tóc 1 tấc 8 phân. 3. Ứng thân hình (cũng gọi Thế sơn phục): Hình tướng Tỳ khưu cạo tóc. Từ thời đại Giang hộ về sau, phục sức, vật phẩm, khí cụ của hành giả Tu nghiệm đạo đều có qui định. Các đạo cụ được sử dụng chủ yếu có 12 loại: Khăn chít đầu,dù, áo pháp, kết ca sa, pháp loa (cái tù và), tràng hạt, gậy tích, trắp sách, hòm (rương), gậy kim cương, đồ trải để ngồi, mảnh vải quấn ống chân… (xt. Tu Nghiệm Đạo).