sơn kì

Phật Quang Đại Từ Điển

(山琦) Phạn: Zànti. Thánh tích của Phật giáo nằm trên 1 giải đất gò cao gần vùng Belsa thuộc Bhopal, Trung Ấn Độ, nhờ có trụ đá do vua A Dục dựng và Đại tháp mà nổi tiếng khắp thế giới. Vùng đất này vốn tên là Kakanaya hoặc Kakanara, là con đường giao thông trọng yếu giữa miềnTrung Ấn Độ và nước Ujjayini (Ô xà diễn na) mà Đại sử gọi là Tháp sơn ở phía tây nam. Tên Sơn Kì (Sanchi) không biết được đặt từ thời nào, trong kinh Phật cũng chưa xác định rõ là đức Phật đã từng đến nơi này hoặc các vùng phụ cận hay không? Chỉ do chiều cao, kiểu cách của ngôi Đại tháp và hình dáng khám thờ Phật… phù hợp với lời ghi chép trong luật Ma ha tăng kì mà suy biết tòa tháp này đúng là kiểu tháp của Ấn độ đời xưa. Luật Ma ha tăng kì quyển 33 (Đại 22, 497 hạ) nói: Bấy giờ, đức Thế tôn tự dựng tháp Phật Ca diếp, nền tháp hình tròn, chung quanh có lan can bao bọc, 4 hướng có cửa ra vào, trên chóp tháp có lọng che biểu thị Luân tướng (tướng bánh xe). Phật dạy cách thức dựng tháp phải như thế. Khi chưa lên ngôi, vua A Dục từng giữ chức Tổng đốc ở Malwa và cưới 1 người con gái ở làng Vedisa (Thiện kiến luật tì bà sa quyển 2 gọi là thôn Ti đề tả), cách Sơn Kì chỉ vài dặm Anh, làm vợ. Về sau, Sơn kì trở thành 1 trung tâm Phật giáo quan trọng. Vào thế kỉ XI, nơi này bắt đầu đổ nát, mãi đến thế kỉ XVIII, XIX mới lần lượt được khai quật. Những văn vật cổ tích ở Sơn kì hiện còn gồm có: 1. Đại tháp:Nền hình tròn, đường kính hơn 36 mét, cao hơn 4 mét, thân tháp có hình dạng như cái bát úp, cao khoảng 12 mét, mặt bằng trên đỉnh tháp có đường kính hơn 10 mét, xung quanh có lớp lan can bằng đá bao bọc. Ở chính giữa mặt bằng vạch thành 16 ô vuông, trên đó dựng 1 cái khám thờ Phật bằng đá, hình vuông, cao 3,5 mét, trên nóc khám dựng cây lọng. Luân tướng cũ của Đại tháp đã đổ nát, gần đây, chính phủ Ấn Độ đã xây dựng lại. Chung quanh nền tháp có lan can bằng đá bao bọc, 4 hướng đều mở 1 cửa ra vào. Lan can cao 3,3 mét, niên đại kiến tạo muộn hơn Đại tháp. Bốn cửa đều được làm bằng đá màu vàng sậm. Trên đầu mỗi trụ đá hình vuông lớn ở 4 góc đều có hình tượng động vật hoặc thần Kim cương. Cửa Đông, cửa Bắc khắc hình voi chúa, cửa Tây là Lực sĩ Kim cương, cửa Nam là sư tử, chiều cao hơn 10 mét, trong đó, cửa Nam là xưa nhất, cửa Bắc được bảo toàn hoàn chỉnh hơn cả. Các cửa tháp đều có những bức khắc nổi liên quan đến Phật truyện, Bản sinh đàm là sự tích lễ bái cúng dường Phật. Những bức khắc nổi ở đây cùng với các bức tranh vách ở động đá Ajantà (A chiên đa) đều là tinh hoa của mỹ thuật Phật giáo Ấn độ. Vào thời vua A dục, Đại tháp được kiến tạo bằng đá và gạch, đến thế kỉ II trước Tây lịch từng được mở rộng thêm. 2. Tháp thờ di cốt: Cách Đại tháp về phía đông bắc khoảng 60 mét, có ngôi tháp thờ di cốt của ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, 2 vị đệ tử lớn củađức Phật, tháp có hình thức giống như Đại tháp và cũng rất nổi tiếng. Ngoài ra còn có các tháp nhỏ gần đó có xá lợi của các ngài Ca Diếp ba, Mạt thị ma… 3. Tháp số 2: Tháp này thờ di cốt của các vị Đại sư truyền giáo nổi tiếng trong đoàn truyền giáo của vua A dục. Những di cốt này do học giả Cunningham, người Anh, phát hiện và được đưa về đây. Tính cách quan trọng của tháp này là ở các bài văn khắc trên những hộp đá trắng đặt di cốt. Trên đó có ghi tên người và các sự tích có tính chính xác về các vị Đại sư truyền giáo do vua A Dục phái đi được nói đến trong các bộ Đại sử và Đảo sử. Do đó, giá trị sử liệu của 2 bộ sử trên rất được đề cao.4. Tháp số 4: Tháp nằm về phía đông bắc của tháp số 3, qui mô nhỏ hơn, là kiến trúc thuộc thời kì sau này, nhưng giữ gìn không được tốt. Gần đây đã được Chính phủ Ấn Độ sửa sang lại. 5. Trụ đá vua A Dục và các trụ đá khác: Trong số này, có 4 trụ tương đối quan trọng, xưa nhất là trụ đá vua A dục ở trước cửa Nam của Đại tháp, chiều cao khoảng 12 mét, được tạo nên bởi 1 khối đá hoàn chỉnh, nhưng nay chỉ còn đầu trụ và 1 phần thân, đầu sư tử của trụ đá thì còn được cất giữ trong viện bảo tàng. Còn 3 cây trụ kia thì là những kiến trúc thuộc cácVương triều Huân ca và Cấp đa, chiều cao đều kém xa trụ đá vua A Dục. 6. Chùa viện: Ở phía nam Đại tháp, có ngôi chùa được kiến tạo vào khoảng năm 650 Tây lịch, nay chỉ còn lại đầu cột của 9 cây cột rất lớn, 1 đoạn tường ngắn chỉ cao 1,2 mét, với mấy mảnh gạch ngói và bát vỡ. Chếch về phía đông Đại tháp 1 chút, có ngôi miếu nhỏ, được giữ gìn toàn vẹn, do các khối đá tạo thành, dọc hành lang trước điện, có 4 cây cột đá Làm trụ chống. Phía đông Đại tháp thì có một ngôi chùa được xây dựng vào khoảng thế kỉ IX, X Tây lịch, là kiến trúc muộn nhất ở Sơn kì và là di tích được xếp vào hàng thứ 45, phần lớn kiến trúc này đã sụp đổ. [X. Thế giới mỹthuật toàn tập Q.3, 5; The Bhilsa topes, by A unningham; Tree and Serpent Worship, by J. Fergusson; Modern India, by S.M. William; Ấn độ Phật giáo thánh tích giản giới (Phương chi)].