sở viên

Phật Quang Đại Từ Điển

(楚圓) (986-1039) Thiền sư Trung quốc sống vào đời Tống, người ở Thanh tương, Toàn châu (huyện Quế lâm, tỉnh Quảng tây), họ Lí. Thủa nhỏ sư là 1 Nho sinh, rắp tâm theo đuổi sự nghiệp Khoa cử. Năm 22 tuổi, sư hồi tâm theo đạo Phật, xuất gia ở chùa Ẩn tĩnh tại Tương sơn. Không bao lâu, sư đến cửa Tương miễn, kết bạn với ngài Thủ chi Cốc tuyền cùng vào Lạc dương. Nghe tiếng tăm ngài Thiện chiêu là bậc nhất trong thiên hạ, sư bèn đến Phần châu, nương tựa ngài được 2 năm nhưng vẫn chưa được nghe pháp yếu. Mỗi lần thấy sư thì ngài Thiện chiêu lại chửi mắng, hoặc chê bai các nơi, có dạy bảo điều gì cũng chỉ là việc tầm thường của thế tục. Một hôm, sư đến trách ngài, chưa dứt lời thì ngài nhìn chằm chằm vào sư mà mắng rằng (Đại 51, 482 thượng): Ác tri thức này dám chê bai ta! rồi giơ gậy lên đuổi. Sư định giải thích, ngài liền bụm miệng. Sư chợt đại ngộ, thưa rằng: Thế mới biết đạo của Lâm tế vượt ngoài thường tình. Sư hầu hạ ngài Thiện chiêu khoảng 12 năm (có thuyết nói 7 năm), lãnh hội hết yếu chỉ của ngài. Sau, sư đến Tinh châu tham vấn ngài Đường Minh Trí tung, lại cùng với các bậc danh sĩ đương thời như Dương Đại Niên, Lí tuân úc thường họp bàn về đạo lí. Sư muốn về làng thăm mẹ, nhưng khi đi ngang qua Quân Châu (tỉnh Tứ Xuyên), sư gặp ngài Hiểu Tở Động Sơn, y chỉ ngài 3 năm, rồi lại đến Ngưỡng Sơn. Lúc đó, Dương Đại Niên gửi thư cho quan Thái thú Nghi xuân là Hoàng Tông Thả thỉnh sư đến trụ trì chùa Quảng Lợi ở Nam Nguyên tại Viên Châu (tỉnh Giang Tây). Ở đó được 3 năm, sư từ biệt về thăm mẹ. Sau đó, sư lại đến tham yết ngài Thần đỉnh Hồng Nhân. Ngài Hồng Nhân rất khen ngợi sư, từ đó danh tiếng sư lừng lẫy. Lúc đầu, sư làm Thủ tọa ở đạo tràng của ngài Đạo ngộ tại Đàm Châu (tỉnh Hồ Nam), kế đến trụ chùa Sùng Thắng ở núi Thạch Sương, rồi lại dời đến ở chùa Phúc nghiêm tại Nam nhạc; cuối cùng, lại dời đến trụ chùa Hưng hóa ở Đàm Châu. Tháng giêng năm Bảo Nguyên thứ 2 (1039), sư thị tịch ở chùa Hưng Hóa tại Đàm Châu, thọ 54 tuổi, thụy hiệu Từ Minh Thiền Sư. Trong 50 vị đệ tử nối pháp, nổi tiếng nhấtlà các sư Hoàng Long Tuệ Nam và Dương Kì Phương Hội, mỗi vị này lại thành lập 1 phái riêng. Sư có tác phẩm: Thạch Sương Sở Viên thiền sư ngữ lục 1 quyển (do ngài Tuệ nam biên chép lại). [X. Tục truyền đăng lục Q.3; Thiền lâm tăng bảo truyện Q.21].